Thứ Ba, tháng 10 02, 2007

[Trích đăng]Vietnam Idol: Ca Nhạc 2.0?

LTS: Bản thân tôi cũng dự định sẽ viết một bài về VN Idol sau khi đã có quá nhiều ý kiến chê trách trên báo chí, đặc biệt là báo Thanh Niên. Cá nhân tôi cho rằng, những ý kiến như báo Thanh Niên đăng tải, loại trừ yếu tố gian lận ra, là biểu hiện của tư duy lạc hậu, cũ kỹ, không phù hợp với bước tiến của thời đại, đồng thời thiếu tôn trọng bản quyền format mua ở nước ngoài. Tôi không tin một chương trình thành công ở rất nhiều nước mà khi đến VN lại thất bại. Vì VN khác với thế giới hay vì thế giới khác VN?



Vietnam Idol: Ca Nhạc 2.0?

Khi tôi viết những dòng này, cuộc thi "Vietnam Idol" chỉ còn một vài ngày nữa là kết thúc. Tôi đã tự hỏi: "Tại sao một chương trình ca nhạc lại có thể thành công ở rất nhiều quốc gia có nền văn hóa và trình độ phát triển khác nhau trong những năm gần đây?". Cuối cùng tôi phát hiện ra rằng đó chính là tinh thần của Web 2.0 trong lĩnh vực ca nhạc.


Để trả lời cho câu hỏi trên trước hết tôi muốn thử tìm hiểu xem:
  • Đây có phải là một cuộc chơi công bằng để chọn ra người tài năng nhất trong hàng ngàn thí sinh?
  • Vai trò của ban giám khảo thế nào?
  • Cuộc chơi này có những vấn đề về mặt kỹ thuật tổ chức (như một số bình luận trên báo chí) hay không?
  • Và cuối cùng, bản chất của cuộc chơi này là gì?
Chúng ta đều biết đây là cuộc chơi dành cho những người không chuyên nghiệp, nếu bạn có một giọng hát hay (hay bạn tưởng là như vậy) thì bạn đều có thể tham gia tuyển chọn. Ở Việt Nam, đây không phải là một điều mới vì giải "Tiếng Hát Truyền Hình" cũng không yêu cầu bạn phải có chứng chỉ hay bằng cấp gì. Suy cho cùng, ngôi sao ca nhạc không nhất thiết phải học ở nhạc viện ra. Nhưng điều thú vị là cuộc chơi này gạt hẳn dân "chuyên nghiệp" ra ngoài và nó trở thành cuộc chơi của đại chúng, nó đảm bảo sự bình đẳng về mặt xuất phát điểm cho các thí sinh ở mức tương đối nào đó. Sẽ không có chuyện một ca sĩ học nhạc viện ra và đã có chút ít tên tuổi cạnh tranh với các thí sinh amateur.

Trong cuộc thi này, vai trò của ban giám khảo càng về cuối càng mờ nhạt. Lần đầu tiên người xem được trao toàn quyền quyết định chọn ai là thần tượng của mình và một khi quyền lực nằm ở phía những người thưởng thức thì kết quả có thể hoàn toàn khác với những dự đoán của các chuyên gia. Tôi cảm nhận thấy càng ngày ban giám khảo càng cảm thấy khó dung hòa giữa thị hiếu của khán giả với những nhận định chủ quan của mình. Họ cảm thấy "đám đông" ở dưới kia vừa đúng, vừa không đúng và cuối cùng là cảm giác bất lực khi phải đưa ra những nhận xét chẳng "ăn nhập" gì với ý kiến "đám đông" đó. Có lẽ đó là sức ép mà ban đầu ban giám khảo đã không thể hình dung ra (cá nhân tôi tôn trọng ban giám khảo đặc biệt là nhạc sĩ Tuấn Khanh, anh mới "xuất bản" một album mà mọi người có thể nghe miễn phí trên Internet -- với những ca khúc chứa đầy những trăn trở về cuộc sống và thời cuộc: Bụi Đường Ca).

Trong những vòng cuối của Vietnam Idol, một vấn đề kỹ thuật nổi lên là liệu việc một người có thể nhắn nhiều tin nhắn cho "thần tượng" cùa mình có ảnh hưởng tới kết quả bầu chọn? Về mặt thống kê, nếu chỉ có rất ít người bình chọn thì có khả năng một nhóm người thân của ai đó sẽ gởi nhiều tin nhắn và làm lệch lạc kết quả, nhưng khi số luợng tin nhắn lên tới hàng triệu thì những cố gắng kiểu như thế không có hiệu quả. Hơn nữa, khi một nhóm người gởi nhiều tin nhắn bầu cho thí sinh này thì cũng có nhóm khác gởi nhiều tin bầu chọn thí sinh khác và kết quả sẽ được cân bằng. Ngược lại thì hệ thống tổ chức của các cuộc thi Idol sẽ sụp đổ và nó đã không có mặt ở Việt Nam hôm nay.

Vậy có phải những người vào vòng cuối cùng là những người hát hay hơn những người còn lại? KHÔNG HẰN VẬY. Nhiều người (trong đó có ban giám khảo) không cho rằng nhưng người cuối cùng là xuất sắc nhất và họ ngạc nhiên khi những người hát hay nhất lại bị loại. Thậm chí một số nhạc sĩ nổi tiếng còn cho rằng khán giả Việt Nam là "kém thị hiếu", không đủ trình độ thưởng thức âm nhạc... Tôi thực sự buồn khi đọc những nhận xét kiểu như vậy, nó thể hiện sự tự ti dân tộc và trên hết là coi thường những người thưởng thức mà nhẽ ra phải là mục tiêu của âm nhạc. Không rõ trình độ thưởng thức của khán giả các nước có tổ chức Idol khác như Indonesia, Ấn Độ... có hơn Việt Nam hay không nhưng chắc mỗi người chúng ta đều không muốn bị mặc định cho là kém hiểu biết.

Nhưng rất có thể khi đưa ra những nhận xét như vậy họ chưa hiểu bản chất thực sự của cuộc chơi này. Bề ngoài nó có vẻ như cuộc tuyển chọn giọng hát hay như bao cuộc thi khác, nhưng thực chất đây là cuộc thi giành cảm tình của khán giả. Thử nhìn Ngọc Ánh, anh ta không phải là người hát hay nhất (ban giám khảo ít khi thực sự đánh giá cao Ngọc Ánh), anh cũng không cao to đẹp trai và cũng không phải là người miền Nam. Cứ theo logic thông thường có thể anh ta đã bị loại từ mấy vòng đầu và thực tế là Ngọc Anh luôn có nguy cơ bị loại ở các vòng đầu. Nhưng càng ngày vị trí của Ngọc Ánh càng vững chắc và anh thẳng tiến tới vòng cuối cùng trong sự mến mộ của các fan thuộc nhiều thành phần khác nhau. Điểm khác biệt lớn nhất của Ngọc Ánh với các thí sinh còn lại chính là sự bất lợi của anh. Anh (vô tình) xây dựng được cho mình hình tượng của một chàng trai tỉnh lẻ -- mộc mạc, chân chất -- đang khát khao tìm kiếm cơ hội trong một thành phố lớn. Khi ban giám khảo nói rằng Ánh là người "cô đơn" trong cuộc thi này (lời của nhạc sĩ Tuấn Khanh) thì phản ứng tự nhiên của khán giả là muốn đồng hành, nâng đỡ anh.

Vì thế, tôi cho rằng nếu ai trở thành Idol thì đó sẽ là "thần tượng" đúng nghĩa, đơn giản do đây là người giành được cảm tình nhiều nhất của khán giả. Lý lẽ dẫn tới thành công của cuộc thi này như vậy: khán giả là người luôn luôn đúng. Ai sẽ là người bỏ tiền xem biểu diễn, ai sẽ là người mua đĩa nhạc? Nếu người hát hay nhất theo một khuôn mẫu luôn trở thành sao thì nhiều ngôi sao ca nhạc hiện nay có lẽ giờ này đang trình diễn phục vụ một đám cưới náo đó. Không, khán giả có những lý lẽ riêng của họ và tất nhiên họ đúng!

Tổng kết lại, có thể thấy cuộc thi Vietnam Idol (và các cuộc thi Idol nói chung) có 3 điểm dẫn tới thành công:
  1. Tính phổ thông: Thí sinh tham gia cuộc thi này là không chuyên và được tuyển chọn từ nhiều địa phương khác nhau, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần tham gia. Có thể có nhiều "pha" biểu diễn thật tức cười nhưng đây chính là điểm mà các cuộc thi khác không thể có được.
  2. Tính tương tác: Việc loại từng thí sinh trực tiếp thông qua hệ thống nhắn tin làm cho cuộc thi ngày càng gay cấn, hấp dẫn. Nó đem lại cảm xúc trái ngược cho mỗi người nhưng quan trọng là mọi người đều cảm thấy mình đang tham gia vào chứ không chỉ chứng kiến thụ động như các cuộc thi khác.
  3. Tính cộng đồng: Thí sinh được khán giả bầu chọn trực tiếp; đây là một điều tuyệt vời và chỉ có trong thời đại viễn thông di động phổ biến như hiện nay mới thực hiện đựơc.
Đến đây, tôi đã giật mình khi nhận thấy những đặc thù của Vietnam Idol thật là giống với Web 2.0, đó là thứ ca nhạc hướng tới khán giả, do khán giả quyết định mình muốn gì, không phải hướng tới các chuyên gia về âm học hay thanh nhạc. Vây nên tôi có thể mạo muội gọi cuộc thi này là "Ca Nhạc 2.0" được chăng?
(Trích từ http://web2vietnam.blogspot.com/2007/09/vietnam-idol-ca-nhc-20.html)

-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ Phản hồi để comment. Nhấn vào chữ Comment để phản hồi. Làm gì mà bạn thích.









Phù Thuỷ Đầm Lầy's photosXem thêm tại đây.

Không có nhận xét nào:

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa