Chủ Nhật, tháng 11 23, 2008

Lại một lần nữa

Ích kỷ, tính toán, vô tâm…

Lại một lần nữa…

Ngày hôm qua cũng ngồi nghĩ mãi: người ta thích mình vì lí do gì. Đẹp trai? Không. Giàu có? Không. Thông minh, học giỏi? Không. Chững chạc, điềm đạm? Không. Tất cả đều nói: không phải mẫu người lí tưởng, mơ ước thậm chí ngay cả nghĩ cũng k nghĩ đến.

Vậy thì chỉ có "đẹp trai k bằng chai mặt". Chỉ còn biết chinh phục tình yêu bằng tấm lòng chân thành, bằng sự bền bỉ.

Để rồi, khi mình nghỉ ngơi một chút, khi mình cần một chút riêng tư, khi mình quá tự tin với tình yêu này… thì nó đổ vỡ. Và mình lại lộ nguyên hình là một thằng ích kỷ, tính toán và vô tâm. Một người nói thì bảo người ta k hiểu mình, nhiều người nói thì phải suy nghĩ lại.

Có lẽ mình không dành cho ai cả. Mình không biết cách yêu một người một cách đúng đắn như người ta. Sao người ta có thể yêu và ở bên nhau lâu thế? Làm sao người ta có thể tìm được người như thế?

Mình muốn dành mình cho ai đó. Mình muốn yêu một ai đó suốt cả cuộc đời này. Mình luôn tin ai đó được dành cho mình. Nhưng sao khó quá!

Bỗng nhiên thấy sợ, buồn và hoang mang.

Một thằng đàn ông không hoàn chỉnh.

Và thất bại.

Mỗi lần buồn là lại viết blog.

Bỗng dưng muốn khóc.

Nhưng không khóc.

Vì đàn ông không bao giờ khóc.

Cảm thấy nhớ, và tiếc. Lẽ nào một năm qua không bằng hai ngày vừa rồi.

Vẫn không hiểu, chưa bao giờ than thở mệt mỏi, chưa bao giờ than thở bị làm phiền. Chỉ đúng một lần vào ngày hôm qua. Và thế là kết thúc. Ngỡ ngàng.

Anh xin lỗi. Chỉ mong em suy nghĩ lại.

Kibbutz - mô hình kinh tế “made in Israel”

Đã có lần được nghe nói về Kibbutz - một mô hình kinh tế nông thôn độc đáo và kỳ lạ của Israel, trong chuyến đi này tôi dành nhiều thời gian về tận các vùng nông thôn Israel để tìm hiểu về mô hình nói trên.

Kibbutz mo hinh kinh te made in Israel

Bà Yael Ziv (phải, hàng đầu) hướng dẫn các phóng viên quốc tế thăm Kibbutz Mashabbe Sade

Và thật ngạc nhiên, câu chuyện “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” đang được các Kibbutz ở quốc gia Trung Đông nhiều chuyện lạ này cố gắng thực hiện...

Ăn ở như tại… khách sạn

“Kibbutz” theo tiếng Do Thái có nghĩa là “tổ hợp” – một hình thức tổ chức kinh tế nông – công nghiệp nông thôn độc nhất vô nhị trên thế giới đang tồn tại ở Israel.

Nhờ sự giúp đỡ của các bạn Israel, tôi đến thăm Kibbutz Mashabbe Sade ở vùng Nagev miền Nam và Kibbutz Dalia ở miền Bắc nước này. Giáo sư Yeahoshua từng là xã viên của Kibbutz Mashabbe Sade cho biết, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 270 Kibbutz.

Trung bình mỗi Kibbutz này có trên dưới 300 xã viên, hoạt động tương tự như nhau, sở hữu những cánh đồng trồng cây nông nghiệp, trại chăn nuôi gia súc, các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp nhẹ như sản xuất bột giặt, đồng hồ đo nước xuất khẩu, van và khớp nối ống nước,v.v.

Về kinh tế, Kibbutz tổ chức hoàn toàn theo kinh tế thị trường. Mô hình kinh tế Kibbuz được hình thành từ năm 1960 cho đến nay, phát triển tốt và đang thực hiện ở một mức độ nhất định phương châm “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” đối với các xã viên của mình.

Bà Yael Ziv, 45 tuổi phụ trách công tác tình nguyện của Kibbutz Mashabbe Sade cho biết, mọi thành viên thuộc gia đình các xã viên Kibbutz được ăn miễn phí hàng ngày hai bữa sáng và trưa tại một bếp ăn tập thể ở giữa làng tổ chức theo hình thức phục vụ món ăn tự chọn.

Riêng bữa tối, các gia đình tổ chức ăn ở nhà để cho gắn bó tình cảm giữa các thành viên trong gia đình mình. Tôi đã chứng kiến tại Kibbutz Mashabbe Sade, buổi sáng các xã viên và trẻ em trong làng lũ lượt kéo đến nhà ăn tập thể dùng bữa sáng.

Nhà ăn được tổ chức hiện đại và sang trọng với đầy đủ các món ăn cao cấp không khác mấy so với các phòng ăn ở khách sạn 5 sao. Sau khi ăn xong, mỗi người tự mang bát đĩa, khay, thìa, dĩa đến những chỗ qui định để cho “tổ bếp núc” rửa.

Sau đó trẻ em thì đến trường, người lớn đến nơi làm việc. Khoảng 12 giờ 30 trưa, trẻ em đi thẳng từ trường học tới nhà ăn, cùng người lớn dùng bữa trưa. Các gia đình không nhất thiết ngồi ăn cùng bàn mà do phục vụ món ăn tự chọn, các thành viên tuỳ thích chọn chỗ ngồi và lấy món ăn không hạn chế số lượng, hoàn toàn theo nhu cầu.

Trong tất cả các Kibbutz, việc giặt quần áo cho gia đình các xã viên được tổ chức thành một tổ chuyên phục vụ giặt giũ. Tất nhiên, công việc này được làm bằng máy từ khâu giặt đến sấy khô. Chỉ mỗi khâu phân loại là phải do công nhân thực hiện bằng tay.

Tại Kibbutz Mashabbe Sade, mỗi gia đình đăng ký một số thứ tự. Số này sẽ in lên phía trong quần áo của các thành viên gia đình mình. Các gia đình chỉ việc bỏ quần áo bẩn vào một thùng đựng quần áo có đánh số của gia đình.

Tổ giặt giũ của Kibbutz sẽ có trách nhiệm thu gom chúng vào các ngày Chủ nhật, Thứ hai và Thứ ba. Sau khi phân loại các loại quần áo được giặt riêng theo màu sắc, chất liệu nhằm tránh hư hỏng rồi đưa sang máy sấy khô. Tiếp theo, quần áo của gia đình nào được trả về số thùng quần áo sạch dành cho gia đình đó vào các ngày còn lại trong tuần.

Các xã viên Kibbutz không cần phải mua xe ôtô riêng. Mỗi Kibbutz đã mua khoảng 60 ôtô con các loại để tại một bãi xe có người trông coi. Nếu xã viên nào cần dùng xe, chỉ việc vào website của Kibbutz rồi tìm chọn những xe nào còn rỗi thì cứ việc tới bãi xe lấy chìa khoá ôtô mình cần để dùng thoải mái theo nhu cầu.

Xăng, sửa chữa và các chi phí khác cho xe do Kibbutz chịu trách nhiệm. Trường hợp cần xe lớn hơn những chiếc xe có sẵn, xã viên có thể yêu cầu ban quản lý xe đi thuê theo yêu cầu của mình, Kibbutz sẽ thanh toán cho tiền thuê đó.

Kibbutz xây dựng và cấp miễn phí nhà ở cho các gia đình xã viên. Khi cần xây dựng mở rộng và cải tạo theo ý mình, chủ nhà trao đổi với ban quản trị sẽ có đội xây dựng đến thực hiện theo yêu cầu của chủ nhà, Kibbutz thanh toán chi phí. Kibbutz cấp miễn phí hoặc trả toàn bộ tiền điện, nước, gas cho các gia đình xã viên. Mỗi căn nhà này ở Mashabbe Sade là một biệt thự cao cấp, đầy đủ tiện nghi.

Bộ trưởng, giáo sư cũng là xã viên

Con em xã viên được Kibbutz cấp học bổng toàn phần cho thời gian học 12 năm phổ thông và đại học trong nước. Khi các xã viên và con cái họ ốm đau, Kibbutz chịu trách nhiệm thanh toán hoàn toàn mọi chi phí về y tế căn cứ vào thực tế chữa bệnh theo nhu cầu.

Xã viên Kibbutz được nghỉ hưu theo qui định chung của Nhà nước ở tuổi 69 đối với nam giới, 67 đối với nữ giới. Nhưng ở Kibbutz nếu muốn, xã viên có thể tiếp tục làm việc trong thời gian tuỳ thích.

Khi tuổi già, sức yếu hoặc bệnh tật, xã viên được đến trại dưỡng lão miễn phí hoặc được Kibbutz thuê người lao động nước ngoài đến chăm sóc tại gia đình.

Tại Kibbutz Mashabbe Sade, ngoài các hưởng thụ theo nhu cầu do Kibbutz chi phí, mỗi xã viên được nhận phụ cấp 1.300 shekol (350 USD)/tháng để chi phí cá nhân. Mức phụ cấp này bằng nhau đối với tất cả mọi người, không phân biệt vị trí công tác của xã viên dù là giám đốc, chủ nhiệm hay người quét rác, trông trẻ.

Do nhu cầu của cá nhân và xã hội, xã viên có thể làm những công việc không thuộc địa bàn Kibbutz mình như giáo sư đại học, bộ trưởng, chuyên gia vệ tinh,… Nhưng toàn bộ tiền lương của người đó phải nộp về cho ngân quĩ của Kibbutz.

Tại Mashabbe Sade, từng có những xã viên làm bộ trưởng, nghị sĩ Quốc hội, giáo sư đại học nhưng lương nhà nước trả cho họ phải nộp cho Kibbutz.

Bà Kantor Dafna, bạn tôi hiện là Tổng vụ trưởng Viện nghiên cứu nguồn nhân lực làm việc ở Tel Aviv nhưng phải nộp toàn bộ thu nhập từ lương về cho Kibbutz Dalia của bà. Các Kibbutz đều cung cấp toàn bộ những nhu cầu cá nhân như quần áo, xe hơi,v.v. để phù hợp với vị trí công tác cho các vị nói trên.

Với những người lười biếng nhất thời, ban lãnh đạo Kibbutz cho rằng đó là nhu cầu cần nghỉ ngơi của con người nên cứ để họ nghỉ. Nếu lười nhác kéo dài, ban lãnh đạo Kibbutz sẽ đến thuyết phục để họ nhận ra sự ăn bám người khác là điều xấu. Dư luận cộng đồng khinh bỉ có sức răn đe mạnh hơn cả pháp luật khiến người lười nhác phải thay đổi.

Bà Kantor Dafana xã viên Kibbutz Dalia cho biết, nếu người lười vẫn không chuyển, Kibbutz có cơ chế đuổi ra khỏi cộng đồng. Nhưng đến nay hình phạt này chưa bao giờ phải sử dụng. Động cơ để người lao động cống hiến hết mình là danh dự, sự tuyên dương, động viên kịp thời của ban lãnh đạo Kibbutz và sự tôn vinh của cộng đồng. Tên và thành tích của người có công được công bố kịp thời và công khai trên bản tin địa phương.

Để tránh tham nhũng, mọi khoản thu nhập và chi phí của Kibbutz được công khai dán trên bảng thông tin của cộng đồng. Ban lãnh đạo được đại hội xã viên bầu ra, chịu trách nhiệm giám sát của một cơ chế công khai hoàn toàn mọi quyết định và chính sách của Kibbutz.


-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ Phản hồi để comment. Nhấn vào chữ Comment để phản hồi. Làm gì mà bạn thích.

Đã từng có một xã hội cộng sản trong lòng tư bản?

(LĐCT) - "Giấc mơ thành lập các kibbutz - cộng đồng xã hội với tinh thần làm chủ tập thể - đã bắt đầu nhen nhóm từ hàng trăm năm trước. Nhưng mãi đến đầu thế kỷ 20, những người Israel tiên phong mới biến giấc mơ này thành sự thật, với khát vọng "bắt sa mạc nở hoa", tạo nên những miền đất của "sữa và mật ong" giữa cồn cát trắng.

Dù kibbutz, ngày nay, đã biến đổi, nhưng tôi không cho rằng nó sẽ biến mất", Thị trưởng thành phố Ramat Negev của Israel và là thành viên của kibbutz Revivim - ông Moshe Rifman - tâm sự.

Kibbutz: Sản phẩm độc đáo "made in Israel"

Đất nước Israel, ngoài hình ảnh về lò lửa xung đột với Palestine, có lẽ thường được gắn với biểu tượng kibbutz - mô hình cộng đồng độc đáo nhất thế giới với quyền làm chủ tập thể. Nếu người Israel coi Jerusalem - nơi khởi nguồn của dân tộc Do Thái - là trái tim của đất nước, thì kibbutz chính là biểu tượng cho sức mạnh ý chí của dân tộc này.

Kibbutz được xem như mô hình "xí nghiệp tập thể" trong lòng hệ thống tư bản. Bình đẳng là nguyên tắc cao nhất trong kibbutz cho đến tận 1970. Các thành viên của kibbutz không có tài sản riêng. Từ thu nhập, đến quà tặng từ bên ngoài đều được sung vào quỹ chung.

Tính chất làm chủ tập thể trong các kibbutz dần phai mờ từ đầu thập kỷ 1980, với biến đổi quan trọng nhất là từ bỏ nguyên tắc bình đẳng và áp dụng bảng lương khác nhau. Hình tượng các kibbutz như những hàng rào chắn, nơi có những người tiên phong, hy sinh bản thân để bảo vệ biên giới Israel, dần trở thành hình tượng những người kỳ quặc, sống nhờ trợ cấp trong mắt người ngoài. Cho đến nay, dân cư tại các kibbutz chỉ chiếm khoảng 1-1,5% tổng dân số Israel.

Có nhiều ý kiến cho rằng kibbutz đang chết dần tại Israel. Là một thành viên kibbutz, ông nghĩ sao?

Ông Rifman: Tôi nghĩ rằng, không có gì bất biến với thời gian. So với khởi điểm là từ nông nghiệp, hầu hết các kitbbutz tại Israel ngày nay đều đã tham gia vào tiến trình công nghiệp hoá. Khoảng 30 năm trước, tất cả mọi người đều đến phòng ăn vào bữa sáng, bữa trưa, bữa tối. Nhưng giờ đây, chúng tôi thi thoảng mới đến phòng ăn chung, và phải trả một khoản tiền nhỏ.

Các thành viên cũng không nhất thiết phải tham gia vào các công việc của kibbutz. Chẳng hạn như vợ chồng tôi, tuy sống ở kibbutz, nhưng đều có công việc bên ngoài. Tuy nhiên, toàn bộ tiền lương của chúng tôi (khoảng 15.000USD/tháng) đều được sung vào quỹ của kibbutz Revivim. Mỗi tháng, ban quản lý kibbutz trả cho chúng tôi một khoản tiền nhất định để chi tiêu thêm.

Dù không còn chia sẻ tất cả như thời mới thành lập, nhưng tất cả các thành viên của kibbutz đều sống trong những ngôi nhà giống nhau, có nội thất giống nhau, dù đó là tôi, một thị trưởng, hay người nấu ăn, người giặt quần áo, người vắt sữa bò... Tất cả đều có chung một điều kiện sống, dù chúng tôi kiếm những mức lương khác nhau.

Chúng tôi không có xe ôtô riêng. Nếu muốn dùng xe, chúng tôi báo với ban quản lý kibbutz để được phát chìa khoá xe và phiếu đổ xăng.

Bà Talia (phu nhân ông Rifman): Khoảng 30 năm trước, quan niệm về kibbutz đang biến mất đã được nói đến rồi. Nhưng hiện giờ chúng tôi vẫn đang sống thoải mái ở kibbutz đấy thôi.

Vậy mỗi tháng, ông, bà nhận lại bao nhiêu từ tiền lương đóng góp cho kibbutz?

Bà Talia: Khoảng 1.000USD. Nhưng ngoài ra, kibbutz sẽ đảm bảo mọi khoản sinh hoạt phí cơ bản khác, từ xe cộ, nhà ở, điện nước...

Vợ chồng ông có bao giờ thấy bất mãn vì đóng góp nhiều, mà chỉ nhận lại bằng người có thu nhập ít hơn?

Bà Talia: Tôi sẽ nói cho bạn hiểu vì sao. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều có quyền có được một cuộc sống bình đẳng, dù đó là người tàn tật, trẻ con, hay người mất sức lao động. Họ có quyền có được cuộc sống đầy đủ như chúng tôi. Và chúng tôi hài lòng với cuộc sống của mình ở kibbutz.

Ông Rifman: Dù nhiều người nói các kibbutz đã bị tư bản hoá, nhưng thực ra, các thành viên của kibbutz vẫn chia sẻ và coi nhau như người nhà. Khi có thời gian rảnh rỗi với nhau, tất cả cùng tụ tập đọc sách, uống trà. Điều đó rất có ý nghĩa. Vợ tôi, Talia, ngoài nghề nghiệp giáo viên, còn đảm nhiệm thêm công tác thư ký cho kibbutz. Những thành viên khác làm việc trong nhà máy, trên cánh đồng. Chúng tôi nuôi gà để ăn, có bò để sản xuất sữa, trồng cây ô liu. Như một xã hội khép kín vậy.

Ông, bà có thể kể về một ngày bình thường ở kibbutz?

Ông Rifman: Chúng tôi có ba con, tất cả đều đã lớn. Con gái đầu đã có con và hiện sống tại Tel Aviv. Con trai thứ hai học đại học, còn con trai út đang trong quân ngũ. Vợ chồng tôi thức dậy vào 6h sáng, nấu ăn rồi đi làm vào 7h30. Thông thường, Talia về nhà vào tầm 16h-18h. Còn tôi, vì công việc thị trưởng bận rộn, nên chỉ về nhà vào khoảng 22h hàng ngày. Chúng tôi không phải làm việc nhà, vì kibbutz đã phân công người giặt quần áo, là quần áo.

Cuộc sống tại kibbutz rất thú vị. Đôi khi bạn sẽ không đồng ý với điều này, điều kia. Nhưng nếu bạn thấy có thể chấp nhận, bạn ở lại. Nếu không, bạn hoàn toàn tự do rời khỏi kibbutz. Rất nhiều người hỏi tại sao tôi tiếp tục ở lại kibbutz. Dù lương của hai vợ chồng tôi 15.000USD/tháng, đủ để chúng tôi có ngôi nhà đẹp, mức sống cao ở bên ngoài. Nhưng cả cuộc đời chúng tôi đã trải qua ở kibbutz. Đó, như là nhà vậy.

Nhưng những thanh niên trẻ không còn chia sẻ điều đó. Họ không còn muốn sống ở kibbutz. Đó là lý do khiến có ý kiến rằng kibbutz đang chết, thưa ông?

Ông Rifman
: Tôi nghĩ đó là tiến trình tất yếu. Kibbutz dẫu sao cũng là một cộng đồng nhỏ. Giống như một ngôi làng ẩn dật. Mọi người đều biết nhau. Và điều đó không làm thoả mãn trí tưởng tượng và nhu cầu tìm hiểu thế giới của người trẻ. Họ mâu thuẫn với những quy tắc sống mà họ cho là quá giản đơn và lạc điệu trong kibbutz. Còn chúng tôi, những người của thế hệ cũ, vẫn rất luyến tiếc cuộc sống xưa.

Bà Talia: Mỗi ngày, tôi đều thức dậy với những ý nghĩ về sự lựa chọn cuộc sống. Ngày hôm nay, ngày mai, tôi tỉnh dậy với ý nghĩ "tại sao tôi lại chọn cách sống này". Bởi vì, nếu không muốn, tôi có thể rời khỏi kibbutz. Có thể thay đổi cuộc sống. Nhưng đó là điều không dễ.

Còn các con của ông bà. Họ có muốn về sống ở kibbutz không?
Bà Talia: Chúng tôi để các con tự lựa chọn cách sống. Tôi không muốn buộc chúng chấp nhận kibbutz như cách bố mẹ tôi đã làm. Bố mẹ tôi buộc tôi phải ở lại. Muốn tôi duy trì giấc mơ của họ. Nhưng tôi không làm như vậy với các con của tôi. Tôi nghĩ như vậy không công bằng. Tôi muốn chúng sống cuộc sống mà chúng muốn.

Xã hội nhà trẻ

Một nhà trẻ tại kibbutz Yasur Journal.

Những vấn đề phát sinh đầu tiên tại các kibbutz lại từ chính những đứa trẻ mới sinh ra. Các thành viên từng than rằng, khi thấy trẻ em giằng giật nhau đồ chơi, họ mới hiểu "một xã hội lý tưởng, nơi mọi vật là của chung" khó tồn tại. Theo một lý thuyết rằng cô giáo chuyên nghiệp sẽ tốt hơn các ông bố bà mẹ "nghiệp dư", trẻ em trong Kibbutz được tách ra khỏi cha mẹ và sống tập thể trong "Xã hội trẻ em". Họ hy vọng, việc tách con nhỏ sẽ giải phóng người mẹ khỏi "bi kịch sinh học".

Bà đã trải qua thời thơ ấu tại "xã hội trẻ em" ở kibbutz như thế nào?

Bà Talia: Theo quan niệm ban đầu ở kibbutz, trẻ em cần phải được ở nhà trẻ, nơi được bảo vệ an toàn nhất, nơi có người trông nom, dạy dỗ để tự lập ngay từ đầu. Vì vậy, ngay từ khi sinh ra, tôi đã được tách khỏi bố mẹ. Mỗi ngày, tôi chỉ về thăm bố mẹ vài tiếng, sau đó được đưa trở lại nhà trẻ. Tôi không ở chung nhà với bố mẹ. Không biết nhõng nhẽo. Tôi có nghe một số người phải sống trong nhà trẻ nói rằng, họ thường hay tỉnh dậy vì ác mộng do thiếu bố mẹ ở bên. Nhưng tôi thì không.

Rất hiếm các trẻ em lớn lên cùng một nhà trẻ ở kibbutz chọn nhau làm bạn đời. Vậy, tình yêu của ông bà có trắc trở không?

- Thực ra lực cản chính là từ tâm lý thôi. Vì, chúng tôi cùng sinh hoạt, cùng ở bên nhau từ khi mới sinh, nên thường xem nhau như anh, em ruột thịt vậy. Anh, chị em thì không lấy nhau. Nhưng khi tôi 18 tuổi, Rifman ngỏ lời yêu. Mẹ tôi không vui. Nhưng tình yêu mà.

Xin cảm ơn ông, bà!


-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ Phản hồi để comment. Nhấn vào chữ Comment để phản hồi. Làm gì mà bạn thích.

Thứ Ba, tháng 11 18, 2008

From my student (for Teacher’s day)

"Nhân ngày 20-11, 10D2 chúng em kính chúc Thầy luôn vui vẻ, trẻ trung và hạnh phúc trong cuộc sống. Nhờ Thầy mà chúng em đã tiếp thu một lực hấp dẫn cuốn hút từ môn Lý. Chúng em đã có động lực học tốt và sẽ tăng tốc để khám phá các định luật tuyền vời của bộ môn Thầy giảng dạy. Chúng em xin gửi đến Thầy lời tri ân sâu sắc từ đáy lòng chúng em! Học trò thương của Thầy." – Học sinh lớp 10D2

"Chỉ mới hơn hai tháng thôi mà lớp chúng em đã học biết nhiêu là kiến thức… Lần đầu tiên bọn em học mà chẳng cần quan tâm đến điểm số… lần đầu tiên bọn em thấy môn Lý không còn nặng nề nữa… Tất cả là nhờ thầy ^^! Thầy luôn cười tươi, luôn quan tâm đến học sinh. Thầy vẫn cứ như vậy mãi nhé! Kính chúc thầy khoẻ và luôn thành công trong cuộc sống. (Lớp "bọn em" 11D1)" – Học sinh lớp 11D1

Hình thiệp của học trò





Còn đây là văn nghệ văn gừng, mừng 20/11 (mất toi 4 tiết)







DOPING!!!

Thứ Hai, tháng 11 17, 2008

New phone

Tình hình là vừa mới rước một em cell mới về nhân dịp đi làm 2 tháng và cũng để chào 20-11 lun. Hihi...

Đây là hình của em nó...

Tên tuổi: Blackberry 8320 Curve
Quê quán: Em có cha Mẽo, mẹ cũng Mẽo nhưng lại được mấy anh China "anh hùng" đưa về làm con nuôi từ nhỏ, mông má lại lung tung, nên giờ cũng chẳng biết là thế nào.
Màu sắc: Đỏ (em lại lấy màu của con em 8310, chứ em chỉ có 3 màu Titan, Silver, Gold và màu Đỏ tươi)
Khả năng của em: em làm được nhiều việc hơn cả em I-Mobile: bàn phím QWERTY, hỗ trợ java, hỗ trợ đồng bộ calendar, address book, tasks, memos với Outlook, camera 2.0, voice notes, email, đặc biệt là em có thể vi vu với wifi được.
Vừa cài thêm vài chương trình cho em nó: từ điển, bản đồ, tìm máy atm, chat, opera...

Nghiên cứu suốt cả tuần mới dám rước em về, dù là phải chấp nhận em đến từ nhà anh Hồ Cẩm Đào. Kệ, miễn sao là em xài tốt, xài bền và xài sướng là được.
Vậy là bi giờ có đến 3 em cùng phục vụ: Nokia 3100, I-Mobile 609i, Blackberry 8320 Curve. Hichic... vất vả đây!!!
Em nó đến từ China nên đừng hỏi giấy tờ, mã số PIN của em nó, tội nghiệp!
-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ Phản hồi để comment. Nhấn vào chữ Comment để phản hồi. Làm gì mà bạn thích.

Thứ Bảy, tháng 11 01, 2008

Buồn mới viết blog

Buồn mới viết blog. Chỉ viết blog khi buồn.

Hôm nay buồn, lại muốn viết blog. Sau khi đi lang thang nhà sách, rồi café… thấy trong lòng cũng đỡ dần những xôn xao, những cái thắt người não ruột. Nhưng vẫn còn buồn lắm lắm!

Trong tình yêu và trong cả cuộc đời này, điều quan trọng nhất vẫn là lòng tin. Có lòng tin thì mới có thể làm việc chung. Có lòng tin thì mới có thể yêu thương nhau. Có lòng tin thì mới có thể sống tốt. Có tin người ta thì người ta mới tin mình.

Vậy mà… mình tin người chứ người có phải lúc nào tin mình đâu. Có lẽ cái bản mặt của mình là bản mặt của một kẻ gian xảo, không đáng để tin tưởng. Mặt mình nhìn giống một kẻ nhẫn tâm, có thể làm điều ác với cả những người yêu thương? Hay mình giống một tên có thể dễ dàng thay đổi thái độ một cách vô lý?

Buồn thật là buồn. Thấy shock. Thấy khó hiểu. Thẫn thờ. Nghĩ mãi mà cũng chẳng thể có lời giải thích. Đành chờ người ta giải thích vậy.

Lớn rồi, cũng chẳng muốn than thở nhiều.

Đa tạ đã nghe mình nói.

Bạn có đi quá nhanh?

Bản câu hỏi sau giúp nhận biết những người đang có một cuộc sống với quá nhiều căng thẳng. 5 hoặc nhiều hơn câu trả lời “có” cho thấy đã đến thời điểm bạn nên tìm cách thư giãn và sộng chậm lại.

1) Bạn có hay xem giờ hơn những người khác?

2) Khi ai đó trình bày một vấn đề quá lâu, bạn có cảm thấy muốn thúc giục họ?

3) Bạn có thường xuyên là người đầu tiên kết thúc bữa ăn?

4) Khi đi bộ trên đường, bạn có thường cảm thấy khó chịu vì mình bị kẹt phía sau người khác?

5) Bạn có trở nên cáu kính nếu ngồi không một chỗ hàng giờ đồng hồ?

6) Bạn có đi khỏi cửa hàng hoặc nhà hàng nếu phải xếp hàng chờ?

7) Nếu bạn bị tắc đường, bạn có dễ bực mình hơn những tài xế khác?

Mẹo giảm căng thẳng:

Căng thẳng có thể làm tăng huyết áp, ảnh hưởng đến khả năng tập trung và làm suy yếu hệ miễn dịch.

Những người không có cơ hội đến với căn phòng dễ chịu nhất thế giới có thể thử một số mẹo sau để chống lại căng thẳng:

1) Đi ra ngoại ô. Nghiên cứu cho thấy 30 phút với cảnh vật xanh và yên ắng sẽ khiến bạn dễ chịu hơn đáng kể.

2) Nghe những thể loại nhạc dịu dàng. Nghe bản bốn mùa của Vivaldi, một bản nhạc rất dễ chịu, hoặc những âm thanh tự nhiên có thể giảm huyết áp.

3) Thực hiện bài tập thư giãn. Bắt đầu từ chân lên dần, duỗi rồi thả lỏng cơ bắp ở từng phần cơ thể trong một thời gian ngắn.

4) Gặp gỡ bạn bè. Những người bạn yêu quý có thể giúp phân tán đầu óc bạn khỏi những suy nghĩ lo âu và khiến bạn vui vẻ hơn.

5) Giúp đỡ người khác. Nghiên cứu cho thấy qua một hành động tốt nhỏ, như quyên góp từ thiện, giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.

6) Chấp nhận những gì bạn không thay đổi được. Chẳng có lý do gì phải day đi day lại quá khứ, hoặc suy nghĩ về những gì không thể thay đổi được. Thay vào đó, tập trùng vào việc làm thế nào bạn có thể có một tương lai tốt hơn.

7) Cười nhiều hơn. Đừng quá quan trọng hóa vấn đề, cố gẳng cải thiện khả năng đối mặt với những tình huống căng thẳng bằng cách nhìn vào khía cạnh hài hước của mọi vấn đề.

8) Dùng hoa oải hương. Nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người đều cảm thấy mùi của hoa oải hương rất dễ chịu, nó cũng giúp bạn có một giấc ngủ ngon.

9) Đến phòng tập thể hình. Tập thê dục thúc đẩy sự hình thành endorphins, khiến bạn cảm thấy tự tin hơn và dễ chịu hơn.

10) Nhìn lên bầu trời. Nếu đó là một ngày đẹp trời, nằm ra bãi cỏ, nhìn lên bầu trời, và cho phép những hình ảnh và suy nghĩ tích cực xâm chiếm tâm trí


-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ Phản hồi để comment. Nhấn vào chữ Comment để phản hồi. Làm gì mà bạn thích.

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa