Thứ Tư, tháng 1 30, 2008

Mua laptop mới

Phù, sau nhiều đêm đắn đo trằn trọc si nghĩ, cuối cùng bạn K cũng đã quyết định rước một em laptop về để cùng du hí mùa xuân. Giành giựt, chạy vạy, năn nỉ, cuối cùng cũng gom đủ tiền để được làm lễ hỏi em (những 10 vé). Nhưng may sao (lại phù tiếp), có lẽ do cái số hên, tiền cưới cũng được họ nhà gái giảm xuống 500k (rất nhiều). Thế là trong một đêm đẹp trời, em Acer cũng đã chịu về cùng bạn K để cùng nâng bàn phím sửa chuột trong những ngày sắp tới.
Sau đây là hình ảnh của em

Còn chi tiết thông tin về em, xin xem ở đây http://www.thegioididong.com/Laptop/ProductDetail.aspx?IDBranch=1&IDIndex=1032&IDProduct=6592
-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ Phản hồi để comment. Nhấn vào chữ Comment để phản hồi. Làm gì mà bạn thích.









Phù Thuỷ Đầm Lầy's photosXem thêm tại đây.

Thứ Ba, tháng 1 22, 2008

Sinh viên xưng "tôi", được không?

Sinh viên xưng “tôi”, có được không? Mấy ngày vừa qua, nếu có theo dõi báo chí, chắc chắn mọi người cũng đã đọc những bài viết về quyền bình đẳng giữa giáo viên và sinh viên đại học, về quyền được tranh luận. Những quyền ấy được thể hiện qua một hình ảnh rất mạnh “Sinh viên xưng “tôi” với thầy cô”.

Tôi rất ghét hình ảnh này, hay nói cách khác, tôi phản đối việc sinh viên nói chuyện với thầy cô mà xưng “tôi”.

Tôi nhớ lại lời than phiền của một thầy giáo dạy phổ thông của tôi: “Học sinh bây giờ không ngoan như lúc xưa. Khi xưa, chúng tôi đi học, cho dù là học lớp lớn, lớp nhỏ, tất cả đều xưng “con” khi nói chuyện với thầy cô.” Cái tiếng “con” ấy là thể hiện cái tình cảm kính trọng, cung kính với người được xếp hàng thứ trong “quân sư phụ” trên cả cha mẹ, với người được gọi là “sư phụ”, là người “cha” thứ hai trong cuộc đời. Thời nay, cái kiểu xưng hô như thế chỉ còn lại ở những lớp tiểu học, vài lớp trung học và gần như mất hẳn những năm 11, 12 và trên giảng đường đại học; nó được thay thế bởi đại từ “em”, ít tình cảm hơn nhưng vẫn phần nào thể hiện được sự kính trọng của người học đối với người dạy. Nhờ vào những chữ “em”, chữ “con” ấy, tình cảm thầy trò được vun đắp, người học vẫn còn nhớ rằng thầy là người mình cần phải kính trọng.

Vậy mà giờ đây người ta lại định bỏ luôn cả cái chữ “em” ấy, ranh giới cuối cùng của đạo thầy trò và những mối quan hệ thông thương. Người ta đã khôn khéo, bắt đầu ở bậc học cao nhất “đại học” để bắt đầu cái sự thay đổi kinh khủng đó. Và người ta vin vào cái lý lẽ rất tự nhiên “sinh viên có quyền bình đẳng”.

Nguỵ biện. Đó là nguỵ biện. Cho dù sinh viên có cái quyền bình đẳng đến đâu, có quyền hoài nghi lời thầy cô nói, có quyền tranh cãi với thầy cố đến đâu thì cũng chẳng có cái quyền được xưng “tôi” với thầy cô. Đừng nghĩ rằng thầy cô gọi sinh viên là “anh chị” thì có nghĩa đã đưa sinh viên lên ngang hàng với thầy cô! Cũng giống như khi cha mẹ xưng “mày, tao” với con cái, không có nghĩa là con cũng được nói “mày, tao” với cha mẹ. Như thế là hỗn, là đi ngược lại tất cả những giá trị truyền thống cả ngàn năm nay “Tôn SƯ trọng ĐẠO”.

Ở các nước phương Tây, vốn coi trọng tính độc đáo cá nhân, luôn nhấn mạnh đến cái “tôi”, đặt mình ngang hàng, bình đẳng với mọi người nhưng có lẽ khuyết điểm của nó chính là ở chỗ này. Chỉ có một cách xưng hô duy nhất thì làm sao có thể biểu lộ được sự kính trọng, tôn trọng của mình đối với người lớn hơn, ở đây là giáo viên? Đừng nói rằng xưng “tôi” sẽ giúp sinh viên tự tin hơn, mạnh dạn hơn khi tranh luận với giảng viên! Đừng quên rằng, dù có tranh luận hăng say đến đâu, sinh viên vẫn là học trò, là người đi học còn giáo viên là người dạy, vẫn có một khoảng cách không chỉ về kiến thức mà còn là về địa vị, về quan hệ xã hội. Và cái khoảng cách đó cần phải được tôn trọng trong mọi tình huống, đầu tiên là ở cách xưng hô. Tại sao với những người lớn khác, bạn vẫn xưng “con” mà với thầy cô, bạn lại xưng “em”?

Giáo dục không chỉ đơn giản là dạy chữ mà còn là dạy làm người. Và đã là giáo dục thì ở đâu cũng phải giáo dục. Ở phổ thông cũng dạy đạo đức mà ở đại học cũng phải dạy đạo đức. Bác Hồ dạy thiếu nhi “Lễ phép với thầy cô”, mà sinh viên cũng lớn lên từ thiếu nhi, lẽ nào lại quên lời dạy đó? Xưng “tôi” không phải là vô lễ nhưng xưng “tôi” với thầy cô thì đó là một sự vô lễ, một sự xúc phạm vô cùng to lớn. Sinh viên còn xưng “em”, thậm chí xưng “con” là một hình thức giáo dục nhẹ nhàng, đơn giản mà vô cùng hiệu quả. Đừng để những lợi ích trước mắt làm lu mờ đi những giá trị của tình người, của đạo đức. Xã hội đã quá nhiều những điều như thế, xin đừng để môi trường sư phạm của bị vẩn đục bởi những thứ như vậy.

Kết lại, tôi xin kể lại về một người bạn trong đoàn thực tập chung với tôi. 22 tuổi, khi nói chuyện với thầy cô, bạn ấy vẫn xưng “con” một cách hoàn toàn tự nguyện và tự nhiên. Đó chẳng phải là điều đáng để học theo?


-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ Phản hồi để comment. Nhấn vào chữ Comment để phản hồi. Làm gì mà bạn thích.









Phù Thuỷ Đầm Lầy's photosXem thêm tại đây.

Thứ Bảy, tháng 1 05, 2008

Nhật ký bệnh viện P2

Thứ 6, 29/12

Sáng nay tỉnh dậy đã thấy nằm trong phòng hồi sức hậu phẫu. Trên người đã thay bộ đồ của bệnh viện. Bụng đã hết đau, chỉ còn thấy hơi nhức do ống tiểu. Tay thì vẫn truyền nước biển. Lờ mờ nhớ lại chuyện tối hôm qua.

12h đêm, bụng trở đau nặng, chạy vào bệnh viện Sài Gòn. Lẽ ra đã vào Hoàn Mỹ nhưng chẳng hiểu sao cổng của nó đóng kín, bên trong là những người lờ đờ ra vô thấy ghê. Thế là chạy thẳng qua Sài Gòn, dù gì cũng là bệnh viện quen (của Bố).

Bệnh viện lớn có khác, hay là do mình bị nặng hơn, vừa vào, y tá đã cho đo điện tâm đồ, truyền dịch, thử máu. Bác sĩ lại thăm khoảng 15ph sau đó, ấn ấn vài cái là chẩn đoán ngay viêm ruột thưa, lại còn bị sốt nữa. Bụng vẫn đau nhưng hình như vào bệnh viện, có mùi bác sĩ nên nó giảm giảm bớt đau (hìhì). Chỉ sợ mỗi lúc truyền nước biển, trúng ngay một ông bác sĩ chắc mới ra trường hoặc đang thực tập, trên ngực còn mang dòng chữ của TT ĐT CBYT. Bác sĩ gì mà yếu ghê, lấy có mỗi cái ven mà rút ra rút vô hai lần (2 lỗ trên tay). Vậy mà để một hồi nó lại trào ngược máu à cái kim bị lệch. Chán thiệt! Tổng cộng đêm đó lấy ven đến 4 lần.

Lát sau thì được chuyển lên lầu chuẩn bị mổ. Di chuyển bằng xe lăn hẳn hoi nhé! He he… lâu lâu được hưởng cảm giác đi xe lăn tức cười thiệt. Nằm ở phòng chờ một hồi thì được gọi vào làm “thủ tục”. Lần này gặp một ông bác sĩ cũng dzui dzui, hỏi lung tung đủ thứ chuyện, còn nhầm giữa trường CĐ Sư phạm (ĐH Sài Gòn) và ĐH Sư phạm. Bác sĩ cũng động viên, an ủi nhiều. Ổng còn than phiền là mình hơi mập (hichic). Sau một hồi cạo cạo, gắn ống, thay đồ, mọi chuyện đã sẵn sàng cho ca mổ.

Chuyện mổ thì diễn ra cũng nhanh thôi, chỉ có điều lại bị than phiền lần nữa về kích cỡ của mình làm cho việc gây mê phải diễn ra nhanh hơn một tí. Sau khi gây mê rùi thì hem biết gì nữa.

Sáng dậy, mọi chuyện đã xong. Vẫn còn hơi đau một tí nhưng bác sĩ bắt phải ngồi dậy. Đau quá chời, mỏi lưng nữa. Thấy ghét mấy cha bác sĩ ghê, mình đang đau thế này mà mấy người đó cứ ngồi nói chuyện rổn rảng. Mãi sau này mới biết vì sao phải làm như thế. Hic hic… Nhưng vẫn đau.

Khoảng 9h30 thì được cho chuyển xuống phòng. Bố chọn phòng dịch vụ nằm cho thoải mái. Ừm, cũng đúng, hôm qua nằm ở phòng thường chờ mổ, thấy xô bồ quá! Bố cũng đã mang điện thoại vào rồi nên bắt đầu nhắn tin cho mọi người báo tin. Hìhì… Chỉ một lúc sau đã thấy bạn bè lục tục kéo vào, xúc động ghê! Có cả bé vịt nữa.

Nằm ở phòng dịch vụ cũng có cái tốt. Một phòng chỉ có 3 người, có tủ lạnh, máy điều hoà, ti vi à đủ tiêu chuẩn một quán café để lui tới. Khi mình tới thì phòng đã có 2 người rồi. Một ông ở giường giữa, cũng còn trẻ, hình như là bị đau bao tử hay gì đó liên quan đến bụng giống mình nhưng nặng hơn. Tội nghiệp là hình như ổng không có người nhà đến thăm vì mình thấy y tá lo cho ổng đủ thứ hết, kể cả chuyện nấu cháo. Lúc đầu cứ tưởng là tiêu chuẩn phòng dịch vụ là thế (hoá ra chẳng phải đâu). So với ông giường giữa thì ông giường cuối đúng là sung sướng hơn. Nằm ở phòng đó chỉ khoảng 4 tiếng đồng hồ, vậy mà mình thấy có đến hơn chục người tới thăm ổng. Mà vấn đề là ổng đã khoẻ lắm rùi, ngồi bàn chuyện làm ăn đến tỉ đồng tỉnh bơ, phơi phới mới ghê. Thấy giống như đại gia nằm viện ghê. Ổng làm mình sợ, chẳng dám nhìn qua chỗ ổng đang bàn chuyện, lỡ đang bàn chuyện đánh bom Sài Gòn, mình rớ vào chắc chết. (Hhaha)…

Cuối giờ chiều thì được chuyển sang phòng mới. Lí do từ đâu hem rõ nhưng cũng may là được chuyển sang phòng này vì phòng này rõ ràng là vui hơn phòng kia.


-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ Phản hồi để comment. Nhấn vào chữ Comment để phản hồi. Làm gì mà bạn thích.









Phù Thuỷ Đầm Lầy's photosXem thêm tại đây.

Thứ Sáu, tháng 1 04, 2008

Những ứng dụng web 2.0 không thể thiếu.

Mike Arrington vừa công bố danh sách các ứng dụng web 2.0 mà ông “couldn’t live without” trong năm 2008:

Hèm, và dĩ nhiên mình cũng có một danh sách riêng của mình dựa vào đây (theo ý tưởng của web2vietnam)

Danh sách những ứng dụng web 2.0 mà mình cần thiết trong năm 2008 (dự kiến thôi nhe):

  • del.icio.us: quên đi bookmarks và những cuốn sổ lưu URL rắc rối, del.icio.us (delicious) của Yahoo là cách tốt nhất để lưu và chia sẻ những địa chỉ URL thú vị với tag, button đi kèm Firefox và một giao diện không thể đơn giản và dễ dùng hơn.
  • Goodvietnam: một phiên bản Digg được VN hoá. Chia sẻ tin tức, tìm kiếm thông tin nhanh chóng. Gần như mọi thứ Digg có thì đều có ở Good. Rất đáng để quan tâm.
  • Firefox: không hẳn là một browser 2.0 nhưng hứa hẹn là một trình duyệt tương thích với 2.0 tốt với các plug-in tăng sức mạnh và hỗ trợ hầu hết các ứng dụng 2.0 hiện nay. Xài FF riết rùi gìơ xài lại IE thấy chán và khó khăn rất nhiều (kể cả IE7)
  • Flickr: vẫn sẽ dùng Flickr nhưng có lẽ chỉ để chia sẻ những tấm ảnh hot nhất cho bạn bè nhờ tính năng chia sẻ rất tuyệt với của nó. Còn nếu muốn lưu trữ, chắc sẽ lưu ở một chỗ nào đó (đến giờ vẫn chưa tìm ra).
  • Gmail: nhanh, gọn, đơn giản và ổn định. Đó là những ưu điểm Gmail, đặc biệt nổi trội ở khả năng gửi kèm file. Tuy nhiên, Yahoo Mail cũng không phải là một ý tưởng tồi nhưng giá như nó bớt lỗi hơn nữa.
  • Pageflakes: người ta vẫn khen Netvibes nhiều nhưng bản thân mình vẫn thích dùng Pageflakes là trang bắt đầu của trình duyệt. Đơn giản là dùng quen rồi và nhu cầu mình cũng không quá nhiều đến mức Pageflakes không đáp ứng nổi. Quan trọng là nó hỗ trợ tiếng Việt rất tốt.
  • Blogger: WP là chương trình tạo blog tốt, wordpress.com cũng tạo ra blog rất tốt; nhưng cái chính là mình đã lỡ thích Blogger với một không gian phù hợp hơn với mình. Và đặc biệt là tương thích với Google nữa.
  • Google Calendar: trước đây mình dùng Kiko nhưng từ khi Kiko trở nên mất ổn định, mình chuyển qua GC với những chức năng tương đương mà lại ổn định. Lại có tính năng chia sẻ rất tốt với nhiều kiểu chia sẻ, tuỳ biến chia sẻ. Sử dụng GC mash-up Pageflakes rất tuyệt.
  • Google Docs: Zoho cũng tốt với nhiều ứng dụng rất phong phú và đa dạng nhưng một lần nữa, tính phổ biến của Google lại chiến thắng. Chỉ cần 1 tài khoản Gmail, đã có thể làm được rất nhiều thứ. Quá tốt! Thinkfree đã bị loại. Giờ còn chờ thằng Microsoft xem sao.

Sơ sơ như thế, mọi người góp ý thêm nhé!


-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ Phản hồi để comment. Nhấn vào chữ Comment để phản hồi. Làm gì mà bạn thích.









Phù Thuỷ Đầm Lầy's photosXem thêm tại đây.

Thứ Năm, tháng 1 03, 2008

Nhật ký bệnh viện P1

Thứ 5, 27/12

Đúng một ngày bị đau bụng. Đêm hôm trước đã bị đau bụng. Nó cứ cái kiểu đau âm ỉ, đau liền liền làm mình điên lên đi được. Ngủ chẳng được đành gọi Bố. Sau một hồi thoa dầu, chạy ra chạy vô WC, tình hình vẫn chẳng khá hơn. Thế là hai bố con đành dắt xe ra khỏi nhà để chạy vào Trung tâm y tế quận 1 (cạnh chợ Tân Định). Đồng hồ chỉ 1h sáng.

Để mặc Bố gửi xe, mình chạy thẳng vào phòng cấp cứu. Hơ hơ, cái bảng cấp cứu đúng là chỗ này, nhưng sao gõ hoài k thấy ai ra mở cửa. Bí quá chạy đại vòng vòng thì phát hiện phòng cấp cứu có 2 cửa. Vừa vào gặp ngay một cô bác sĩ đang ngồi nghe nhạc sến. Sau khi hỏi mình bị gì, bác sĩ ra lệnh: “Lên giường!” (oé, sướng chưa?). Liền sau đó là một màn đo huyết áp (thử sức kéo???), ấn ấn bụng, hỏi han vài câu. Sau khi đã hỏi quá chời, hình như bác sĩ chưa tìm ra được bệnh. Kệ, cứ cho vài viên thuốc uống cái đã. Nằm một hồi, thấy không đỡ được chút nào.

Thêm một bác sĩ nam vào, cũng hỏi han qua loa vài câu, ấn ấn rồi lại chẳng nói mình bị bệnh gì. Tiếp tục nốc thuốc nhé! Xong rùi hai người bắt đầu ngồi nói chuyện phiếm và nghe nhạc sến. Quái, sao cái cơn đau bụng này nó không chịu ngơi đi nhỉ? Cứ đau hoài. Nhưng cũng may mắn ghê, nhờ hai bác sĩ mở nhạc sến, ngồi nghe một hồi lại ngủ thiếp đi cho đến khi ói tiếp. Đang lim dim, thấy khó chịu, vội chạy đi tìm cái nhà vệ sinh. Hichic… đã k đeo mắt kiếng, lại chẳng biết đường nên dò dẫm mãi mới tìm được cái nhà vệ sinh… nữ. Thôi kệ, lao vào đại, đang gấp mà. Nhưng mà vào rùi mới biết đó là quyết định đúng, nhà vệ sinh Nữ ở bệnh viện mà hôi, dơ và kinh khủng vô cùng, thế nên ói được khoẻ hơn.

Đến khoảng 3h sáng thì có thêm một người nữa chuyển vào, nằm kế bên. Loáng thoáng nghe được hình như là bị đau bụng. Hô hô, tối nay lắm người bị đau bụng ghê! Nhưng sao bác sĩ khám rùi cho thuốc uống một hồi, thấy người ta nằm im ru à. Còn mình thì…

Sau một hồi ngủ thiếp đi nữa, mở mắt ra là 6h sáng, bụng chỉ thấy nhẹ hơn một tí, vẫn còn đau. Nhưng chẳng muốn ở lại đây nữa. Bố vừa vào, đã vội làm thủ tục ra về, lấy toa thuốc. Đến lúc đó mới biết mình bị gì. RỐI LOẠN TIÊU HOÁ.

Sau một ngày uống thuốc, kết quả là đêm nay, bụng càng lúc càng đau. Đau khác hôm qua nữa, đau từng cơn, ấn vào đau. Đáng lo nhất là nó đau phía bên phải…

-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ Phản hồi để comment. Nhấn vào chữ Comment để phản hồi. Làm gì mà bạn thích.









Phù Thuỷ Đầm Lầy's photosXem thêm tại đây.

Bố


Bố.

Qua gần 1 tuần bị bệnh, mình mới hiểu được, Bố quan trọng như thế nào.

Đêm bị đau bụng, người đầu tiên mình kêu là Bố.

Bố là người xức dầu, động viên, thậm chí còn dỗ ngủ cho quên đi cái đau.

Đến khi đau quá, Bố cũng là người chở vào bệnh viện, dù lúc đó đã là 1h sáng và Bố đã thức với mình từ lúc 12h.

Đêm thứ hai, cũng Bố chở mình vào bệnh viện lần hai lúc 12h đêm, dù rằng mới đêm trước Bố chẳng ngủ được gì.

Bố là người có mặt kế bên trước khi mình bước vào phòng mổ.

Suốt những ngày sau đó, Bố luôn có mặt trong bệnh viện mỗi lúc rảnh. Bố nấu cháo. Bố lau mặt. Bố nói chuyện cho mình quên bớt đau.

Ngay khi Bố không có mặt, Bố cũng gọi điện, nhắn tin hỏi thăm.

Về nhà, Bố cũng vẫn nấu cháo, thay băng và làm vô số việc nhỏ nhỏ khác.

Và Bố lo lắng khi mình trở đau.

Và Bố vui mừng khi mình đã có thể ăn uống tạm tạm.

Và tóc Bố bạc thêm nhiều hơn. So với mấy ngày trước, giờ nhìn Bố chắc già hơn nhiều lắm.

Con lặng lẽ và thầm cám ơn tình yêu của Bố. Dù sau này thế nào, con cũng luôn yêu Bố.


-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ Phản hồi để comment. Nhấn vào chữ Comment để phản hồi. Làm gì mà bạn thích.









Phù Thuỷ Đầm Lầy's photosXem thêm tại đây.

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa