Chủ Nhật, tháng 11 23, 2008

Đã từng có một xã hội cộng sản trong lòng tư bản?

(LĐCT) - "Giấc mơ thành lập các kibbutz - cộng đồng xã hội với tinh thần làm chủ tập thể - đã bắt đầu nhen nhóm từ hàng trăm năm trước. Nhưng mãi đến đầu thế kỷ 20, những người Israel tiên phong mới biến giấc mơ này thành sự thật, với khát vọng "bắt sa mạc nở hoa", tạo nên những miền đất của "sữa và mật ong" giữa cồn cát trắng.

Dù kibbutz, ngày nay, đã biến đổi, nhưng tôi không cho rằng nó sẽ biến mất", Thị trưởng thành phố Ramat Negev của Israel và là thành viên của kibbutz Revivim - ông Moshe Rifman - tâm sự.

Kibbutz: Sản phẩm độc đáo "made in Israel"

Đất nước Israel, ngoài hình ảnh về lò lửa xung đột với Palestine, có lẽ thường được gắn với biểu tượng kibbutz - mô hình cộng đồng độc đáo nhất thế giới với quyền làm chủ tập thể. Nếu người Israel coi Jerusalem - nơi khởi nguồn của dân tộc Do Thái - là trái tim của đất nước, thì kibbutz chính là biểu tượng cho sức mạnh ý chí của dân tộc này.

Kibbutz được xem như mô hình "xí nghiệp tập thể" trong lòng hệ thống tư bản. Bình đẳng là nguyên tắc cao nhất trong kibbutz cho đến tận 1970. Các thành viên của kibbutz không có tài sản riêng. Từ thu nhập, đến quà tặng từ bên ngoài đều được sung vào quỹ chung.

Tính chất làm chủ tập thể trong các kibbutz dần phai mờ từ đầu thập kỷ 1980, với biến đổi quan trọng nhất là từ bỏ nguyên tắc bình đẳng và áp dụng bảng lương khác nhau. Hình tượng các kibbutz như những hàng rào chắn, nơi có những người tiên phong, hy sinh bản thân để bảo vệ biên giới Israel, dần trở thành hình tượng những người kỳ quặc, sống nhờ trợ cấp trong mắt người ngoài. Cho đến nay, dân cư tại các kibbutz chỉ chiếm khoảng 1-1,5% tổng dân số Israel.

Có nhiều ý kiến cho rằng kibbutz đang chết dần tại Israel. Là một thành viên kibbutz, ông nghĩ sao?

Ông Rifman: Tôi nghĩ rằng, không có gì bất biến với thời gian. So với khởi điểm là từ nông nghiệp, hầu hết các kitbbutz tại Israel ngày nay đều đã tham gia vào tiến trình công nghiệp hoá. Khoảng 30 năm trước, tất cả mọi người đều đến phòng ăn vào bữa sáng, bữa trưa, bữa tối. Nhưng giờ đây, chúng tôi thi thoảng mới đến phòng ăn chung, và phải trả một khoản tiền nhỏ.

Các thành viên cũng không nhất thiết phải tham gia vào các công việc của kibbutz. Chẳng hạn như vợ chồng tôi, tuy sống ở kibbutz, nhưng đều có công việc bên ngoài. Tuy nhiên, toàn bộ tiền lương của chúng tôi (khoảng 15.000USD/tháng) đều được sung vào quỹ của kibbutz Revivim. Mỗi tháng, ban quản lý kibbutz trả cho chúng tôi một khoản tiền nhất định để chi tiêu thêm.

Dù không còn chia sẻ tất cả như thời mới thành lập, nhưng tất cả các thành viên của kibbutz đều sống trong những ngôi nhà giống nhau, có nội thất giống nhau, dù đó là tôi, một thị trưởng, hay người nấu ăn, người giặt quần áo, người vắt sữa bò... Tất cả đều có chung một điều kiện sống, dù chúng tôi kiếm những mức lương khác nhau.

Chúng tôi không có xe ôtô riêng. Nếu muốn dùng xe, chúng tôi báo với ban quản lý kibbutz để được phát chìa khoá xe và phiếu đổ xăng.

Bà Talia (phu nhân ông Rifman): Khoảng 30 năm trước, quan niệm về kibbutz đang biến mất đã được nói đến rồi. Nhưng hiện giờ chúng tôi vẫn đang sống thoải mái ở kibbutz đấy thôi.

Vậy mỗi tháng, ông, bà nhận lại bao nhiêu từ tiền lương đóng góp cho kibbutz?

Bà Talia: Khoảng 1.000USD. Nhưng ngoài ra, kibbutz sẽ đảm bảo mọi khoản sinh hoạt phí cơ bản khác, từ xe cộ, nhà ở, điện nước...

Vợ chồng ông có bao giờ thấy bất mãn vì đóng góp nhiều, mà chỉ nhận lại bằng người có thu nhập ít hơn?

Bà Talia: Tôi sẽ nói cho bạn hiểu vì sao. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều có quyền có được một cuộc sống bình đẳng, dù đó là người tàn tật, trẻ con, hay người mất sức lao động. Họ có quyền có được cuộc sống đầy đủ như chúng tôi. Và chúng tôi hài lòng với cuộc sống của mình ở kibbutz.

Ông Rifman: Dù nhiều người nói các kibbutz đã bị tư bản hoá, nhưng thực ra, các thành viên của kibbutz vẫn chia sẻ và coi nhau như người nhà. Khi có thời gian rảnh rỗi với nhau, tất cả cùng tụ tập đọc sách, uống trà. Điều đó rất có ý nghĩa. Vợ tôi, Talia, ngoài nghề nghiệp giáo viên, còn đảm nhiệm thêm công tác thư ký cho kibbutz. Những thành viên khác làm việc trong nhà máy, trên cánh đồng. Chúng tôi nuôi gà để ăn, có bò để sản xuất sữa, trồng cây ô liu. Như một xã hội khép kín vậy.

Ông, bà có thể kể về một ngày bình thường ở kibbutz?

Ông Rifman: Chúng tôi có ba con, tất cả đều đã lớn. Con gái đầu đã có con và hiện sống tại Tel Aviv. Con trai thứ hai học đại học, còn con trai út đang trong quân ngũ. Vợ chồng tôi thức dậy vào 6h sáng, nấu ăn rồi đi làm vào 7h30. Thông thường, Talia về nhà vào tầm 16h-18h. Còn tôi, vì công việc thị trưởng bận rộn, nên chỉ về nhà vào khoảng 22h hàng ngày. Chúng tôi không phải làm việc nhà, vì kibbutz đã phân công người giặt quần áo, là quần áo.

Cuộc sống tại kibbutz rất thú vị. Đôi khi bạn sẽ không đồng ý với điều này, điều kia. Nhưng nếu bạn thấy có thể chấp nhận, bạn ở lại. Nếu không, bạn hoàn toàn tự do rời khỏi kibbutz. Rất nhiều người hỏi tại sao tôi tiếp tục ở lại kibbutz. Dù lương của hai vợ chồng tôi 15.000USD/tháng, đủ để chúng tôi có ngôi nhà đẹp, mức sống cao ở bên ngoài. Nhưng cả cuộc đời chúng tôi đã trải qua ở kibbutz. Đó, như là nhà vậy.

Nhưng những thanh niên trẻ không còn chia sẻ điều đó. Họ không còn muốn sống ở kibbutz. Đó là lý do khiến có ý kiến rằng kibbutz đang chết, thưa ông?

Ông Rifman
: Tôi nghĩ đó là tiến trình tất yếu. Kibbutz dẫu sao cũng là một cộng đồng nhỏ. Giống như một ngôi làng ẩn dật. Mọi người đều biết nhau. Và điều đó không làm thoả mãn trí tưởng tượng và nhu cầu tìm hiểu thế giới của người trẻ. Họ mâu thuẫn với những quy tắc sống mà họ cho là quá giản đơn và lạc điệu trong kibbutz. Còn chúng tôi, những người của thế hệ cũ, vẫn rất luyến tiếc cuộc sống xưa.

Bà Talia: Mỗi ngày, tôi đều thức dậy với những ý nghĩ về sự lựa chọn cuộc sống. Ngày hôm nay, ngày mai, tôi tỉnh dậy với ý nghĩ "tại sao tôi lại chọn cách sống này". Bởi vì, nếu không muốn, tôi có thể rời khỏi kibbutz. Có thể thay đổi cuộc sống. Nhưng đó là điều không dễ.

Còn các con của ông bà. Họ có muốn về sống ở kibbutz không?
Bà Talia: Chúng tôi để các con tự lựa chọn cách sống. Tôi không muốn buộc chúng chấp nhận kibbutz như cách bố mẹ tôi đã làm. Bố mẹ tôi buộc tôi phải ở lại. Muốn tôi duy trì giấc mơ của họ. Nhưng tôi không làm như vậy với các con của tôi. Tôi nghĩ như vậy không công bằng. Tôi muốn chúng sống cuộc sống mà chúng muốn.

Xã hội nhà trẻ

Một nhà trẻ tại kibbutz Yasur Journal.

Những vấn đề phát sinh đầu tiên tại các kibbutz lại từ chính những đứa trẻ mới sinh ra. Các thành viên từng than rằng, khi thấy trẻ em giằng giật nhau đồ chơi, họ mới hiểu "một xã hội lý tưởng, nơi mọi vật là của chung" khó tồn tại. Theo một lý thuyết rằng cô giáo chuyên nghiệp sẽ tốt hơn các ông bố bà mẹ "nghiệp dư", trẻ em trong Kibbutz được tách ra khỏi cha mẹ và sống tập thể trong "Xã hội trẻ em". Họ hy vọng, việc tách con nhỏ sẽ giải phóng người mẹ khỏi "bi kịch sinh học".

Bà đã trải qua thời thơ ấu tại "xã hội trẻ em" ở kibbutz như thế nào?

Bà Talia: Theo quan niệm ban đầu ở kibbutz, trẻ em cần phải được ở nhà trẻ, nơi được bảo vệ an toàn nhất, nơi có người trông nom, dạy dỗ để tự lập ngay từ đầu. Vì vậy, ngay từ khi sinh ra, tôi đã được tách khỏi bố mẹ. Mỗi ngày, tôi chỉ về thăm bố mẹ vài tiếng, sau đó được đưa trở lại nhà trẻ. Tôi không ở chung nhà với bố mẹ. Không biết nhõng nhẽo. Tôi có nghe một số người phải sống trong nhà trẻ nói rằng, họ thường hay tỉnh dậy vì ác mộng do thiếu bố mẹ ở bên. Nhưng tôi thì không.

Rất hiếm các trẻ em lớn lên cùng một nhà trẻ ở kibbutz chọn nhau làm bạn đời. Vậy, tình yêu của ông bà có trắc trở không?

- Thực ra lực cản chính là từ tâm lý thôi. Vì, chúng tôi cùng sinh hoạt, cùng ở bên nhau từ khi mới sinh, nên thường xem nhau như anh, em ruột thịt vậy. Anh, chị em thì không lấy nhau. Nhưng khi tôi 18 tuổi, Rifman ngỏ lời yêu. Mẹ tôi không vui. Nhưng tình yêu mà.

Xin cảm ơn ông, bà!


-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ Phản hồi để comment. Nhấn vào chữ Comment để phản hồi. Làm gì mà bạn thích.

Không có nhận xét nào:

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa