Thứ Ba, tháng 1 22, 2008

Sinh viên xưng "tôi", được không?

Sinh viên xưng “tôi”, có được không? Mấy ngày vừa qua, nếu có theo dõi báo chí, chắc chắn mọi người cũng đã đọc những bài viết về quyền bình đẳng giữa giáo viên và sinh viên đại học, về quyền được tranh luận. Những quyền ấy được thể hiện qua một hình ảnh rất mạnh “Sinh viên xưng “tôi” với thầy cô”.

Tôi rất ghét hình ảnh này, hay nói cách khác, tôi phản đối việc sinh viên nói chuyện với thầy cô mà xưng “tôi”.

Tôi nhớ lại lời than phiền của một thầy giáo dạy phổ thông của tôi: “Học sinh bây giờ không ngoan như lúc xưa. Khi xưa, chúng tôi đi học, cho dù là học lớp lớn, lớp nhỏ, tất cả đều xưng “con” khi nói chuyện với thầy cô.” Cái tiếng “con” ấy là thể hiện cái tình cảm kính trọng, cung kính với người được xếp hàng thứ trong “quân sư phụ” trên cả cha mẹ, với người được gọi là “sư phụ”, là người “cha” thứ hai trong cuộc đời. Thời nay, cái kiểu xưng hô như thế chỉ còn lại ở những lớp tiểu học, vài lớp trung học và gần như mất hẳn những năm 11, 12 và trên giảng đường đại học; nó được thay thế bởi đại từ “em”, ít tình cảm hơn nhưng vẫn phần nào thể hiện được sự kính trọng của người học đối với người dạy. Nhờ vào những chữ “em”, chữ “con” ấy, tình cảm thầy trò được vun đắp, người học vẫn còn nhớ rằng thầy là người mình cần phải kính trọng.

Vậy mà giờ đây người ta lại định bỏ luôn cả cái chữ “em” ấy, ranh giới cuối cùng của đạo thầy trò và những mối quan hệ thông thương. Người ta đã khôn khéo, bắt đầu ở bậc học cao nhất “đại học” để bắt đầu cái sự thay đổi kinh khủng đó. Và người ta vin vào cái lý lẽ rất tự nhiên “sinh viên có quyền bình đẳng”.

Nguỵ biện. Đó là nguỵ biện. Cho dù sinh viên có cái quyền bình đẳng đến đâu, có quyền hoài nghi lời thầy cô nói, có quyền tranh cãi với thầy cố đến đâu thì cũng chẳng có cái quyền được xưng “tôi” với thầy cô. Đừng nghĩ rằng thầy cô gọi sinh viên là “anh chị” thì có nghĩa đã đưa sinh viên lên ngang hàng với thầy cô! Cũng giống như khi cha mẹ xưng “mày, tao” với con cái, không có nghĩa là con cũng được nói “mày, tao” với cha mẹ. Như thế là hỗn, là đi ngược lại tất cả những giá trị truyền thống cả ngàn năm nay “Tôn SƯ trọng ĐẠO”.

Ở các nước phương Tây, vốn coi trọng tính độc đáo cá nhân, luôn nhấn mạnh đến cái “tôi”, đặt mình ngang hàng, bình đẳng với mọi người nhưng có lẽ khuyết điểm của nó chính là ở chỗ này. Chỉ có một cách xưng hô duy nhất thì làm sao có thể biểu lộ được sự kính trọng, tôn trọng của mình đối với người lớn hơn, ở đây là giáo viên? Đừng nói rằng xưng “tôi” sẽ giúp sinh viên tự tin hơn, mạnh dạn hơn khi tranh luận với giảng viên! Đừng quên rằng, dù có tranh luận hăng say đến đâu, sinh viên vẫn là học trò, là người đi học còn giáo viên là người dạy, vẫn có một khoảng cách không chỉ về kiến thức mà còn là về địa vị, về quan hệ xã hội. Và cái khoảng cách đó cần phải được tôn trọng trong mọi tình huống, đầu tiên là ở cách xưng hô. Tại sao với những người lớn khác, bạn vẫn xưng “con” mà với thầy cô, bạn lại xưng “em”?

Giáo dục không chỉ đơn giản là dạy chữ mà còn là dạy làm người. Và đã là giáo dục thì ở đâu cũng phải giáo dục. Ở phổ thông cũng dạy đạo đức mà ở đại học cũng phải dạy đạo đức. Bác Hồ dạy thiếu nhi “Lễ phép với thầy cô”, mà sinh viên cũng lớn lên từ thiếu nhi, lẽ nào lại quên lời dạy đó? Xưng “tôi” không phải là vô lễ nhưng xưng “tôi” với thầy cô thì đó là một sự vô lễ, một sự xúc phạm vô cùng to lớn. Sinh viên còn xưng “em”, thậm chí xưng “con” là một hình thức giáo dục nhẹ nhàng, đơn giản mà vô cùng hiệu quả. Đừng để những lợi ích trước mắt làm lu mờ đi những giá trị của tình người, của đạo đức. Xã hội đã quá nhiều những điều như thế, xin đừng để môi trường sư phạm của bị vẩn đục bởi những thứ như vậy.

Kết lại, tôi xin kể lại về một người bạn trong đoàn thực tập chung với tôi. 22 tuổi, khi nói chuyện với thầy cô, bạn ấy vẫn xưng “con” một cách hoàn toàn tự nguyện và tự nhiên. Đó chẳng phải là điều đáng để học theo?


-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ Phản hồi để comment. Nhấn vào chữ Comment để phản hồi. Làm gì mà bạn thích.









Phù Thuỷ Đầm Lầy's photosXem thêm tại đây.

1 nhận xét:

Chít Vít nói...

uh, hay đấy
tớ thấy cần đặt vấn đề thế này, thay cho những phong trào dở hơi và trò gây ấn tượng đánh tráo khái niệm

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa