Thứ Sáu, tháng 6 08, 2007

Đảng đã cho ta...

Hôm nay thi Lịch sử Đảng xong. Cảm thấy hơi giận. Không phải vì không làm bài được mà vì phải làm một cái đề có thể nói là cẩu thả nhất từ trước đến giờ.

Đề bài:
1. Phân tích và chứng minh sự lãnh đạo sáng suốt, đứng đắn của Đảng trong thời kì cách mạng như "ngàn cân treo sợi tóc".
2. Vì sao Đại hội VI của Đảng quyết định khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước?

Vâng, vừa rồi là cái đề thi của một kì thi học kì của một trong những trường Đại học trọng điểm phía Nam, của một khoa lớn nhất nhì cái trường này, của một môn mang tính chất tư tưởng, chính trị cao. Thất vọng vô cùng khi đọc một cái đề như thế! Có cảm giác người ra đề rất cẩu thả, thờ ơ, vô trách nhiệm với chính cái đề của mình đưa ra. Xin phân tích qua vài điểm:
1. Đề thi không hề bảo ai là người "phân tích và chứng minh" cái luận điểm mơ hồ (sẽ bàn sau về chỗ "mơ hồ"). Ai đây, thí sinh, sinh viên hay giám khảo hay sách giáo khoa? Có lẽ là giám thị. Dường như chính sự mặc định hay sức ì tâm lí khiến người ta chẳng còn tôn trọng người dự thi nữa khi tiết kiệm mất mấy chữ "Anh (chị) hãy". Đừng coi thường nó, tuy chỉ là nhỏ nhặt nhưng thể hiện được nhiều thứ lắm.
2 . Một lần nữa, chính sự mặc định ngầm đó và cái ý nghĩ đây chính là một đề thi mở (được sử dụng tài liệu), thế nên, người ra đề mặc nhiên sử dụng một cụm từ hoàn toàn mơ hồ "cách mạng như ngàn cân treo sợi tóc". Ai mà có đọc giáo trình, mang theo cách loại tài liệu thì sẽ nhanh chóng nhận ra ở đây đề bài muốn nói đến thời kì 45-46 (trong sách nào cũng ghi đó là thời kì "ngàn cân treo sợi tóc"). Nhưng xin thưa, cái cụm từ ấy chẳng qua là do mấy ông viết sách đặt vào thôi, chứ không có nghĩa là cứ nói đến thời kì "ngàn cân treo sợi tóc" là chỉ có thời kì đó. Ngồi xem lại lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, thấy có đến ít nhất 3 thời kì mà Đảng ta lâm vào tình thế "cách mạng như ngàn cân treo sợi tóc", có nguy cơ sụp đổ bất kì lúc nào: thời kì sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (Đảng ta bị bố ráp khắp nơi, hàng ngàn Đảng viên bị bắt giữ, Đảng buộc phải rút vào hoạt động bí mật và phong trào cách mạng cũng theo đó mà suy yếu), thời kì sau CMT8 45-46 (chính quyền cách mạng non trẻ phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng lúc), thời kì sau 1975 (chính sách sai lầm về kinh tế dẫn đến khủng hoảng sâu rộng ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội). Ở thời kì nào, Đảng ta cũng đều bị đặt trong tình thế vô cùng nguy hiểm, cách mạng dễ dàng thất bại nếu không có sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn trong thời kì đó. Vậy ở đây, đề bài chính xác muốn hỏi thời kì nào? Hình như người ta ra đề theo sách chứ không phải theo những gì sinh viên học thì phải? Vậy phát huy tính năng động, sáng tạo của sinh viên là ở đâu? Dường như người ra đề muốn báo động rằng, muốn làm được bài, hãy nghe theo giáo trình, chứ đừng tự suy nghĩ thêm gì cả.
3. Bôi bác đến thế chưa đủ, người ra đề còn quên mất đang ra đề thi học kì mà cứ nghĩ là một cuộc khảo bài nào đó bình thường. Ở văn phong của một đề thi, lẽ ra người ta nên viết ra hết "Đảng" là Đảng Cộng sản Việt Nam, "Đại hội VI" là Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI vào tháng 12/1986. Hoàn toàn nghiêm túc đó, không phải là xét nét đâu nhưng viết như thế mới tỏ được ý tôn trọng cả thí sinh, cả người chấm và cả lịch sử.

Haizzz, nghĩ lại mình khó tính quá! Còn hơn cả ông già.
-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ phản hồi để comment.

Không có nhận xét nào:

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa