Chủ Nhật, tháng 8 19, 2007

Chuyện từ cái thang máy


Cái thang máy giờ đây chắc cũng chẳng quá xa lạ đối với những người dân thành thị, nhất là đối với những người mỗi ngày phải chạy lên chạy xuống 10 tầng lầu như PT cách đây vài ngày. Thế nhưng, bên trong cái không gian nhỏ hẹp chưa đầy 4 mét vuông ấy lại có nhiều chuyện để nói hơn là cái công dụng lên xuống của nó.

Chuyện về cái thang máy thì nhiều lắm: lịch sử thang máy nè, rồi cả cách người ta gọi thang, những câu chuyện ma trong thang máy hay cả những trò chơi khăm trong thang máy… Nhưng hôm nay, PT muốn kể về những người sử dụng thang máy.

1. Chuyện kể rằng, từ sau khi thang máy gắn camera đặt trong thang máy, người ta đã phát hiện ra khoảng thời gian ít ỏi di chuyển của thang máy cũng đủ để một số nho nhỏ những người “trí-thức” và “sắp-thành-trí-thức” làm được vô số việc đáng kể. Những việc như chải đầu, trang điểm chỉ là bình thường, có những công việc khác đáng được nhắc đến hơn. Ví dụ như chuyện một chủ doanh nghiệp nhẹ nhàng đút một phong bì khá dày vào túi áo của “anh Hai” trong khi “anh Hai” vẫn nghiêm mặt với phong thái uy nghi lẫm liệt của mình. Hay như hai anh chị đang thiếu thốn chỗ để yêu đã quyết định chọn cái không gian của thang máy, tuy là công cộng nhưng cũng có lúc riêng tư, để thể hiện những cảm xúc mãnh liệt, những hành động minh chứng cho tình yêu trong sáng và vô tư của họ. Và cũng có một trường hợp, khá hi hữu, một ông công chức quèn vừa đóng cửa thang máy là ngồi bệt xuống, khóc thút thít một mình cho đến khi thang máy vừa dừng thì lại chỉnh tề đâu đấy bước ra toe toét cười cầu tài với sếp. Thỉnh thoảng, lại có một vài cô cậu choai choai mang snack hay ly Alô trà vào thang máy thì lại nghe tiếng loa vọng ra: “Cậu kia, mang ngay đồ ăn ra ngoài. Làm đổ ra sàn lại mệt người ta dọn.” À, và dĩ nhiên, người gác phòng thang máy đang cầm trong tay cái nội qui thang máy để đối chiếu. Như một lẽ thường, trong nội quy chẳng có điều nào cấm những chuyện ở trên.

2. Buổi sáng, bạn đến văn phòng nằm trên tầng 10 bằng thang máy và tất nhiên, thang máy của cao ốc vào buổi sáng thì luôn đầy người. Bạn bước vào và chờ đợi cảm nhận ngay cái hương thơm ngào ngạt của nước hoa buổi sáng hay của những gương mặt tươi tỉnh bắt đầu một ngày làm việc mới. Nhưng thực tế, bạn nhận được những cái nhìn lặng lẽ, không cảm xúc, thậm chí là những cái thu người tế nhị, những cái cúi đầu chằm chằm vào bảng số trên thang máy. Vì sao thế?

Allan Pease trong cuốn “Thuật xét người qua điệu bộ” (Trần Duy Châu dịch, NXB Trẻ phát hành) đã giải thích điều đó bằng khái niệm “không gian sinh tồn”. Trong đó, ông chia khoảng không gian xung quanh một người thành 4 khoảng: không gian mật thiết (15 – 45cm), không gian riêng tư (45cm – 1,2m), không gian xã hội (1,2 – 3, 5m) và không gian công cộng (ngoài 3,5m). Sở dĩ có sự xê dịch trong mỗi khoảng không gian là do có sự khác nhau giữa mật độ sinh sống, thói quen và lịch sử phát triển của mỗi người. Người dân sống ở nông thôn sẽ có không gian mật thiết rộng hơn một người ở thành thị, vốn bị bó buộc trong một mật độ người trên mét vuông chật hẹp hơn. “Không gian sinh tồn” được xem là một minh chứng cho sự liên hệ mật thiết giữa con người và động vật. Ở động vật, không gian sinh tồn thường được gọi bằng cách tên dễ hiểu hơn: “lãnh thổ”.

Cũng giống như loài vật, khi bị xâm phạm vào những không gian mật thiết hay riêng tư, con người thường có những động thái bày tỏ sự khó chịu hoặc phòng thủ. Trong một thang máy đông đúc, người ta thường thu người, im lặng hoặc nhìn chằm chằm vào bảng số nhằm che giấu đi sự khó chịu (vì phép lịch sự tối thiểu, dĩ nhiên, đây lại là nét khác biệt giữa con người và động vật), đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra và cũng là để tránh xâm phạm vào những không gian sinh tồn của người khác. Thế nhưng, hầu hết điều này đều xuất phát từ tiềm thức và bạn sẽ ít khi nhận ra nó nếu như không ai nói với bạn. Điều này là phổ biến đối với mọi kiểu người, kể cả những người cởi mở và tự tin nhất. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ như mặc dù bạn bị lèn chặt trong một thang máy đông đúc, bạn vẫn có thể vui vẻ thoải mái cười nói nếu những người bên cạnh bạn là những người bạn quen thuộc, những người mà bạn tin tưởng. Thực tế, Allan đã liệt kê ra một số qui tắc ngầm thường thấy ở những chỗ công cộng đông đúc:

a. Không lên cao giọng, ngay cả khi đang nói chuyện.

b. Cẩn thận tránh bắt gặp một cái nhìn khác.

c. Giữ bộ mặt lạnh như tiền.

d. Chúi đầu vào một quyển sách hay một tờ báo.

e. Không được cựa quậy, đặc biệt là trong một đám người đông đặc.

Người ta thường tìm cách khắc phục những cảm giác như thế bằng nhiều cách. Cách đơn giản nhất là tăng diện tích thang máy lên. Nhưng đây cũng là cách ít làm nhất vì chắc chắn không gian của toà nhà là có giới hạn. Một số KTS thử nghiệm bằng cách làm các thang máy trong suốt để tạo một không gian thoáng đãng cho người đi thang máy nhằm làm dịu tâm lý đang căng thẳng của họ. Một số khác dùng âm nhạc hoặc tranh ảnh. Nhưng cách hay nhất, theo tôi, là tìm cách hạn chế cảnh lèn chặt người trong thang máy.

Vì vậy, tôi nhắc lại một trong những nguyên tắc tối quan trọng khi đi thang máy cũng như sử dụng những phương tiện công cộng khác hoặc khi đang ở chỗ đông người: Tôn trọng. Tôn trọng người khác cũng là tôn trọng mình. Tôn trọng lãnh thổ của người khác để nhận được sự hài hoà trong các mối quan hệ. Và cũng hãy sáng suốt để nhận ra đâu là những hành vi xâm phạm cố ý và đâu là những cái chạm vô tình để có được thái độ cư xử đúng đắn. Chúc bạn vui.

-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ Phản hồi để comment. Nhấn vào chữ Comment để phản hồi. Làm gì mà bạn thích.









Phù Thuỷ Đầm Lầy's photosXem thêm tại đây.

Không có nhận xét nào:

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa