Thứ Ba, tháng 8 07, 2007

Suy nghĩ về mấy chữ "được"


Vừa nghe, chính phủ nhiệm kỳ XII được kì vọng sẽ đạt được 4 chữ “được”: “Người được làm việc thì làm việc được, người làm việc được thì được làm việc.” Vô tình, nó lại liên quan đến một trong những bài viết còn dang dở của PTĐL nên hôm nay lại nhắc đến nó: NGƯỜI TÀI LÀ GÌ?

Thật ngưỡng mộ người nào đã nghĩ ra 4 chữ “được” như thế vì nó đã bao hàm gần như tất cả các ý của việc phát hiện và sử dụng người tài.

Người tài là gì? Nói đi nói lại, người tài cũng chỉ tựu trung về những chữ “làm việc được”. Nếu gọi là người tài mà chỉ đơn giản là cái tấm bằng, cái danh tiếng thì e rằng chưa thể gọi là tài. Người tài là phải thể hiện ra bằng kết quả công việc. Nói cách khác, tài năng là nội dung như phải được thể hiện qua kết quả công việc chính là hình thức.

Nhưng có một khía cạnh nhỏ của chữ “được” mà tôi rất tâm đắc khi so sánh với chữ “tốt”. So với mức độ hiệu quả công việc thì chữ “được” có vẻ kém hơn so với chữ “tốt” nhưng tôi thích cái ý nghĩ rằng người tài chỉ cần làm việc được hay nói ngược lại người làm việc được chính là người tài. Nhiều người sẽ cho rằng yêu cầu của tôi quá thấp nhưng đó hoàn toàn xuất phát từ thực tiễn đời sống. Giả dụ như trong một công ty, không thể nào tất cả mọi người đều làm việc từ mức tốt trở lên. Chắc chắn sẽ có những người làm việc chỉ ở mức “được” và dưới mức “được”. Những người dưới mức “được” chắc chắn không thể sử dụng nhưng với những người ở mức “được”, cần phải có cái nhìn phù hợp về họ. Bởi họ cũng làm việc, cũng cống hiến cho công ty, cũng là thành phần góp sức vào thành công của công ty. Họ cũng không thể thay thế được bởi nếu thay thế họ nghĩa là phải sử dụng những người dưới mức “được”, còn những người từ “tốt” trở lên đều đã được sử dụng rồi. Họ là một phần không thể thiếu của công ty. Như vẫn thường nói: Một công trình lớn không chỉ cần những kiến trúc sư tài ba mà còn cần những người thợ cần mẫn, làm việc “được”.

Định nghĩa lại người tài là thế, giờ lại nói sang chuyện sử dụng người tài. Tôi lại càng thích chữ “được” ở trong cụm từ “được làm việc”. Hay, bởi vì nó thể hiện được một quyền rất quan trọng của người tài: quyền được làm việc và cống hiến. Nhiều người gọi đó là nghĩa vụ, tôi cho đó là quyền lợi. Bởi như đã nói trong những bài trước, người tài làm phải có tâm. Chữ “tâm” ấy bao gồm khát khao được lao động, làm việc, cống hiến một cách chân chính, tự nguyện chứ chẳng có luật nào, tổ chức nào hay cá nhân nào ép buộc được. Phải hiểu được điều đó thì mới sử dụng người tài một cách hiệu quả được. Khoan hãy nói đến chuyện người làm việc được có được làm việc hay không (bởi lẽ đã có nhiều người nói về chuyện này rồi), tôi quan tâm đến việc người tài đã làm việc nhưng được coi là “được làm việc” hay là “phải làm việc”. Chỉ khác nhau một chữ thôi nhưng cũng thể hiện được thiện chí, thái độ của người sử dụng người tài đối với người tài. Nếu xem đó là quyền lợi, chắc chắn sẽ tạo được không khí làm việc thoải mái, phát huy tối đa khả năng và năng lực của người làm việc, khơi gợi được ý chí, lòng say mê của người làm việc. Ngược lại, nếu gọi đó là nghĩa vụ, e rằng sẽ tạo ra áp lực không đáng có, vô tình sản sinh ra những “cỗ máy làm việc” hoặc tệ hơn là làm thui chột tài năng.

Nhìn sơ qua, bốn chữ “được” trong câu “Người được làm việc thì làm việc được, người làm việc được thì được làm việc.” đã làm tốt vai trò của nó. Giờ đến lúc những người được nói đến thể hiện vai trò của mình. Hi vọng rằng, chính phủ mới sẽ là những người “được làm việc và làm việc được” để có thể đưa con tàu Việt Nam vững vàng từ vũng nước tù ra cái ao làng AFTA, biển cả APEC và đại dương WTO.

-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ Phản hồi để comment. Nhấn vào chữ Comment để phản hồi. Làm gì mà bạn thích.









Phù Thuỷ Đầm Lầy's photosXem thêm tại đây.

Không có nhận xét nào:

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa