Thứ Năm, tháng 3 15, 2007

[Archive]Bàn về một lá thư (hay vạch mặt kẻ xảo trá)

Vừa rồi, tôi được một người bạn gửi cho một bài báo đăng nguyên văn một lá thư do một sinh viên Vn du học tại Pháp gửi cho Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT và toàn thể học sinh-sinh viên (xem tai day http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2006/03/060302_nguyentientrunglet...). Tôi không biết rằng lá thư này liệu có được gửi hay không nhưng những gì viết trong lá thư thì cần phải xem xét lại.

Nội dung thư chủ yếu là những “góp ý” về giáo dục và chính trị xã hội mà sinh viên này (tạm gọi là T.) muốn gửi đến. Đọc xong lá thư, tôi nhận thấy còn nhiều điều cần phải bàn luận và phân tích cặn kẽ. Tuy nhiên, tôi có thể nói ngay cảm nhận chung của mình sau khi đọc: lệch pha tư tưởng, có dấu hiệu của sự sắp đặt. Ở phần sau, tôi sẽ nói cặn kẽ về những suy nghĩ này.

Trước hết, tôi muốn nói thẳng một điều, những gì T. viết cũng như một số độc giả viết về tình hình xã hội, tình hình Đảng là thiếu sự cập nhật và thiếu tính xây dựng. Tôi thật sự bức xúc khi đọc những dòng văn như thế. Tất cả những gì tôi đọc được chỉ là “quan liêu, tham nhũng”, “sáo mòn”, “lạc hậu”, “nghèo đói”… Tôi cho những nhận xét đó là đúng nhưng chưa được toàn diện. Bởi vì các bạn ấy chưa chịu nhìn vào những thành công của nhà nước, của Đảng trong việc xây dựng đất nước. Tại sao phải chăm chăm nhắm vào những khuyết điểm, những việc chưa được của Đảng mà không chịu nhìn vào những tấm gương sáng Đảng viên, những thành tựu nổi bật. Tôi có thể đơn cử như ông Hội đồng Khoa của HĐND TPHCM đã trực tiếp tìm hiểu về việc nước đục ở nhà dân, hay như những bước phát triển nhanh chóng về kinh tế của VN mà cộng đồng quốc tế đang công nhận. Theo ý kiến của tôi, bạn T. đã chỉ quan tâm đến những mặt chưa được mà chưa có được cái nhìn toàn diện là do bạn đã không học kỹ môn Triết học Mác Lênin. Và đặc biệt, việc so sánh với các nước phát triển là một sự so sánh khập khiễng. Bạn so sánh trực tiếp với nước Nhật cũng là một nước bị tàn phá trong chiến tranh nhưng khổ nỗi T. đã không nhớ rằng để có được những bước phát triển thần kỳ như thế này, một phần là vì Mỹ đã hỗ trợ cho Nhật. Mặt khác, mỗi nước có một hoàn cảnh riêng, xuất phát điểm cũng khác nhau, thể chế cũng khác nhau nên sự so sánh, tôi cho là không cần thiết. Còn việc bạn T. viện dẫn những hình ảnh trái ngược nhau về sự phân hoá giàu nghèo ở VN thì tôi miễn bàn vì nói thẳng ra thì ở đâu trên TG mà chẳng có. (Hoạ chăng là có ở châu Phi, ở một số kém phát triển thì người ta nghèo đều nhau cả)

Tiếp đến, tôi muốn đi sâu vào phân tích những gì mà lá thư đã cho là sai, cũng như là những ý kiến phản hồi.

1. Về quan điểm cho rằng chủ nghĩa Mác Lênin, chủ nghĩa cộng sản là sai lầm, là gieo rắc “sự thù địch”, oán hận, tôi nghĩ rằng đây chắc chắc là luận điểm của một người chưa hề hiểu rõ về chủ nghĩa Mác Lênin cũng như là chủ nghĩa cộng sản ở VN. Nếu ai đã từng đọc các bài góp ý cho văn kiện ĐH Đảng lần X trên báo Tuổi Trẻ, chắc cũng nhận ra rằng Đảng hoàn toàn không có ý định gieo rắc sự thù hận đối với chủ nghĩa tư bản hay bất kỳ một chế độ nào khác. Đảng chỉ muốn giữ vững quan điểm, lập trường của mình, đó là đấu tranh cho một xã hội mới công bằng, dân chủ, văn minh theo định hướng XHCN. Đôi khi, có những ý kiến trái chiều gây ra những sự hiểu lầm không hay về Đảng nhưng tôi muốn khẳng định, tôi chưa từng cảm nhận được rằng Đảng CSVN hay chủ nghĩa Mac Lênin đang gieo rắc vào đầu tôi những suy nghĩ thù địch, oán hận. Thậm chí cả về vấn đề tôn giáo rất nhạy cảm (xin được miễn bàn tới). Tôi muốn đính chính lại thông tin cho rằng “chủ nghĩa Mác Lênin lại là “bạo lực cách mạng “, phải đào mồ chôn người khác, và phải luôn nuôi trong đầu những ý nghĩ hận thù.” Trong thời gian chiến tranh, việc duy trì sự thù giặc là có thể thông cảm vì khi đó là tình thế dầu sôi lửa bỏng, đất nước bị xâm lăng (dù rằng, ta cũng đối xử rất nhân đạo với tù binh). Trong thời bình, không bao giờ chủ nghĩa Mác Lênin lại nuôi ý nghĩ hận thù mà chỉ đơn giản là hướng tới cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân. Sự đề phòng CNTB là có, ước muốn xoá bỏ CNTB là có, nhưng không bao giờ đến mức muốn nuôi ý nghĩ hận thù.

Tuy nhiên, tôi xin nói thẳng với các bạn là những âm mưu “diễn biến hoà bình” là có thật và bản thân tôi cũng đã từng chứng kiến một sự việc như thế. Không phải tất cả những gì các nước làm đầu tư vào VN đều có mục đích phá hoại nhưng tôi khẳng định rằng vẫn có những âm mưu như thế. Vụ nhà nước Đề Ga ở Tây nguyên là một bài học. Tôi cũng cảm thấy lá thư của T. cũng là một trong những âm mưu như thế. (Việc bạn T.nhảy cẫng lên khi Mỹ bị khủng bố chẳng qua do bạn ấy chưa hiểu hết tường tận những gì thầy cô đã dạy vì bằng chứng là sau khi xảy khủng bố hay thiên tai ở Mỹ, VN đều có việc trợ nhân đạo dù ít nhưng cũng chứng tỏ một tinh thần hợp tác)

2. Về quan điểm cho rằng ở VN, có sự chồng chéo về pháp luật cũng như việc thực hiện pháp quyền chưa được tốt, tôi cũng xin có một vài ý kiến. Bản hiến pháp do quốc hội soạn thảo. Vì vậy, chắc chắn không thể có sai sót như bạn T. đã nêu mà chẳng qua do bạn ấy cố ý xuyên tạc vào câu chữ để nói. HP nói rằng chúng ta theo chủ nghĩa Mác Lênin nhưng không nói rằng tất cả mọi thứ Mác và Lênin nói đều đúng. Việc phân biệt giữa tư tưởng của Mác và chủ nghĩa Mác là hết sức cần thiết. Không thể căn cứ vào một hai câu nói của Mác ở bên ngoài Chủ nghĩa Mác mà cho rằng đó cũng là chủ nghĩa Mác. Hơn nữa, chủ nghĩa Mác khi được đưa vào VN đã được Việt hoá theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, việc cho rằng sự tự do tôn giáo ở VN là nguỵ tạo là không có căn cứ, rất dễ gây hiểu lầm. Thực tế là, chính phủ đã tốn rất nhiều công sức để giải quyết những hiểu lầm đó dù rằng chúng ta vẫn thực hiện tự do tôn giáo, miễn sao là phù hợp với pháp luật.

Mặt khác, bạn T. cũng cho rằng không có tự do ngôn luận. Tôi nhận thấy nhiều bạn khác cũng có ý kiến đồng ý với bạn T. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ chữ “tự do” là ntn. Nếu các bạn học môn GDCD kỹ, bạn sẽ biết được rằng “tự do” không phải muốn làm gì thì làm. “Tự do” nhưng phải tuân thủ luật pháp. Và HP đã ghi rõ điều gì thì chúng ta dù “tự do” đến mấy thì cũng không được phát ngôn bừa bãi mà không có sự cho phép của luật pháp. Tôi cho rằng những ý kiến ủng hộ việc bạn T. phát biểu ý kiến của mình là nông cạn, thiếu hiểu biết về VN. Bạn được quyền phát ngôn về nhiều thứ, góp ý Đảng cũng được, nhưng cần giữ vững quan điểm và tư tưởng là luôn lấy chủ nghĩa Mác Lênin là kim chỉ nam. “Tự do ngôn luận”, theo tôi, phải được hiểu như thế. Thực tế là hiện nay, việc phát ngôn của mọi người được thông thoáng hơn rất nhiều. Chảng qua do một bộ phận vẫn chưa quen, chưa thoái khỏi lối tư duy thụ động nên chưa có nhiều ý kiến tranh luận. Lần góp ý cho dự thảo văn kiện vừa rồi là một dịp rất hay để mọi người thực hiện quyền “tự do ngôn luận” của mình. Hay như, ở một tổ chức nhỏ như Đoàn TNCS HCM, việc phát biểu, đóng góp luôn được hoan nghênh. Những tiêu cực trong việc phê bình và tự phê bình là chỉ là số ít và lẻ tẻ. Còn việc ở trên các diễn đàn luôn cấm chuyện chính trị không phải là vì bị nhà nước cấm mà chính các chủ diễn đàn e sợ rằng không kiểm soát nổi các thảo luận sẽ dẫn đến sự lệch pha về tư tưởng dẫn đến việc lan truyền sự lệch pha này.

3. Về quan điểm cho rằng, chúng ta đã không thực hiện tư tưởng HCM, tôi cũng nghĩ rằng đó là một quan điểm chưa toàn diện và sâu sắc. Sau 1975, đúng là đã có một số sai lầm khi Đảng ta tiến hành cải tổ kinh tế một cách “duy ý chí”, không phù hợp với tư tưởng HCM dẫn đến sự ra đi của người dân. Nhưng cái chính là chúng ta có ý chí thực hiện tư tưởng HCM mặc dù có nhiều hạn chế về nhận thức. Bằng chứng là sau khi nhận ra sai lầm, Đảng đã mạnh dạn chỉ rõ sai lầm và tiến hành khắc phục. Lần này thì tư tưởng HCM đã thực sự được áp dụng linh hoạt và thành công. Vậy thì chúng ta không thể nói là Đảng đã không thực hiện tư tưởng HCM. Một ý nhỏ là tôi không rõ bạn T. lấy đâu ra thông tin trong di chúc Bác muốn miễn thuế nông nghiệp 1 năm nhưng chúng ta không làm, có nghĩa là không thực hiện tư tưởng HCM. Nếu thông tin này là đúng thì tôi cho là Đảng làm đúng. Vì sao? Đây là ý chí, nguyện vọng của một cá nhân chứ đâu phải là của Đảng. Nếu Bác nói gì, muốn gì, Đảng cũng làm thì hoá ra Bác chính là một dạng của vua??? Chúng ta thương yêu, kính trọng Bác Hồ nhưng vẫn phải nhớ một điều rằng Đảng là tập thể lãnh đạo chứ không phải là cá nhân (cơ cấu BCH là minh chứng rõ ràng nhất). Mặt khác, đây cũng chỉ là ý chí, nguyện vọng của Bác chứ không phải là những gì Bác đưa vào tư tưởng HCM nên chúng ta không thể kết luận là chúng ta không thực hiện tư tưởng HCM.

Về những góp ý của bạn T., tôi cũng có một vài ý kiến, với tư cách là một giáo viên tương lai, để mọi người cùng đọc và tham khảo.

1. “Bỏ lối dạy học theo kiểu AQ , chúng ta không thể nói chúng ta là « cái mới, cái tiến bộ » khi chúng ta là một trong những nước nghèo nhất, tham nhũng nhất thế giới, vẫn đang phải ngửa tay xin tiền viện trợ từ chính các nước tư bản. Cần dạy cho thế hệ trẻ biết vị trí đúng đắn của nước mình đối với quốc tế để thấy được cái nhục của nghèo khó và lạc hậu và từ đó biết vươn lên.”

Nói đúng hơn, chúng ta là cái mới, cái tiến bộ về mặt tư tưởng thôi. Tức là chúng ta đã có những mô hình xã hội tiên tiến trong tương lai, có những lí luận, luận điểm tiến bộ. Việc dạy cho học sinh về sự nghèo khó của nước mình là cần thiết nhưng xin đừng dùng từ “nhục”. Vị thế của VN trên trường quốc tế ra sao, mọi người có thể cảm nhận rõ. Tôi cho rằng nó đang đồng biến với thời gian. Việc VN đăng cai APEC có thể nói là một thành công lớn.

2. “Bãi bỏ các môn học chính trị không thiết thực và không đúng đắn nữa trong bối cảnh hiện nay. Đó là các môn Triết học Mác Lênin, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu có dạy Triết học thì nên chỉ ra cái hay, cái chưa hay của tam giáo Nho, Phật, Lão, đạo Thiên Chúa, chủ nghĩa Mác Lênin và các triết gia phương Tây để tránh cho thế hệ trẻ cái nhìn phiến diện, một chiều. Nếu muốn dạy tư tưởng Hồ Chí Minh thì trước hết phải thực hiện những gì trong tư tưởng Hồ Chí Minh như tự do, dân chủ, đa nguyên, đa đảng. Không thể nói mà không làm, không thực hiện nhưng bắt người khác phải nghe theo.”

Người viết đề xuất này chắc hẳn là rất ghét các môn này. Nhưng tôi cho rằng cả 5 môn này đều cần thiết. Nó cung cấp cho nhưng cử nhân tương lai những kiến thức cơ bản về xã hội, về chế độ, về đất nước. Học xong, chúng ta có thể hiểu rõ và thấm nhuần các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ đó, chúng ta mới chấp hành đúng được. Riêng vấn đề đa nguyên, đa đảng, tôi chỉ nói một từ thôi: KHÔNG.

3. “ Tôn trọng những ý kiến khác biệt của học sinh, sinh viên, không áp đặt, không bắt học thuộc lòng những thứ không cần thiết, gây hại như chủ nghĩa Mác Lênin vì điều đó giết chết sự sáng tạo và óc suy nghĩ độc lập của thế hệ trẻ.”

Góp ý này thuần tuý mang tính chất cá nhân của bạn T.. Đáng sợ nhất là việc cho rằng việc học chủ nghĩa Mác Lênin bần cùng hoá sự sáng tạo và óc suy nghĩa độc lập của thế hệ trẻ. Xin thưa rằng, muốn tư duy sáng tạo thì anh cũng phải đứng trên một quan điểm, luận điểm nào đó. Và nếu như vận dụng tốt những gì có trong chủ nghĩa Mac Lênin, các bạn hoàn toàn có thể tư duy và suy nghĩ một cách độc lập. Vấn đề chính là người ù lì học gì thì cũng chỉ là ù lì. Cái có thể thay đổi người ù lì chính là cách dạy và học.

Những góp ý khác của bạn T. thì cũng tựu vào những gì tôi đã trình bày ở phần trên.

Nhìn chung lại, tôi đánh giá lá thư này có “mùi”. Người viết có lập luận đanh thép, chặt chẽ với những dẫn chứng hết sức thuyết phục mà một SV CNTT không thể nào thực hiện nổi. Tuy nhiên, cách viết của người viết là hết sức tiêu cực và xuyên tạc. Đứng trên hệ thống quan điểm lệch lạc, người viết áp đặt những suy nghĩ sai lầm về Đảng và nhà nước, đồng thời xuyên tạc, nói xấu Đảng. Tôi có thể lờ mờ hiểu ra người sinh viên tên T. này là ai. Lá thư như thế mà ở VN, chắc chắn T. sẽ bị PA25 bắt vì những gì bạn ấy viết hoàn toàn đi ngược với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Tôi cảm nhận được sự thù hằn và góc nhìn phiến diện, một chiều, chưa đầy đủ trong bài viết. Tuy nhiên, tôi cho rằng, viết như thế thì vẫn có thể cải tạo được. Chẳng qua do bị lệch pha tư tưởng thôi. Cung cấp cho bạn ấy thật nhiều thông tin vào và chắc hẳn, bạn T. và nhiều bạn khác sẽ có cái nhìn tươi sáng hơn về tương lai VN.

Riêng tôi, tôi nhận được bài học lớn về tình cảm đối Đảng, đối với đất nước. Càng đọc các bài của các bạn thanh niên đến từ khắp nơi, tôi càng hiểu rõ mình yêu quý Đảng ntn. Tôi thật sự cảm thấy căm phẫn khi đọc những lời phỉ báng vô căn cứ, mang tính áp đặt Đảng. Tôi nổi giận thật sự! Một lần nữa, tôi lại bị thôi thúc bới ý tưởng phấn đấu để trở thành Đảng viên ĐCSVN.

Sunday March 12, 2006 - 09:31pm (ICT) Edit | Delete



-------------------------
Câu nói tuần này: Không có gì là không thể.

Không có nhận xét nào:

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa