Thứ Bảy, tháng 3 31, 2007

Hâm mộ quá khích - Lỗi của ngôi sao?


Hôm nay vội. Ko muốn viết nhiều. Chỉ là quá bức xúc trước một sự kiện và cách đánh giá, nhìn nhận của nhiều người nên viết để bày tỏ ý kiến cá nhân.

Cô gái trẻ Dương Lệ Quyên vì quá hâm mộ nam tài tử Lưu Đức Hoa đã nghỉ học từ năm 15 tuổi và sau đó mất 13 năm để theo đuổi giấc mơ được gặp mặt và trò chuyện với Lưu Đức Hoa. Sự theo đuổi của cô sẽ không có gì đáng nói nếu nó không kéo theo cả cha mẹ của cô vì quá thương con nên đã bán thận, bán nhà để cô được thoả giấc mơ của mình. Trong bữa tiệc sinh nhật của Lưu Đức Hoa, Dương Lệ Quyên đã được thoả lòng mong ước và gặp thần tượng của mình, thậm chí còn chụp ảnh chung. Nhưng đáng tiếc, sau đó cô gái này lại cho rằng như thế chưa đủ, cô còn muốn được nói chuyện riêng với Lưu Đức Hoa. Cuối cùng, quá bế tắc, người cha đã nhảy xuống biển tự tử và để lại lá thư tuyệt mệnh mong muốn rằng con gái sẽ được Lưu Đức Hoa gặp và an ủi.

Ban đầu tôi chỉ nhìn nhận đây là một sự kiện bình thường mà trong xã hội hiện đại, người ta phải chấp nhận, báo chí chỉ đăng tải để lấy tin giật gân. Nhưng báo chí và các nhà nghiên cứu, với một giác quan nhạy bén, đã thổi phồng vụ này lên và đưa ra những nhận định mà tôi cho là ấu trĩ. Trong đó, nổi bật nhất là một giáo sư ở Đại học Bắc Kinh đã đưa ra nhận định cho rằng chính thế giới giải trí là một trong những nguyên nhân của bi kịch này. Ấu trĩ thật!

Người ta bảo rằng, vì Lưu Đức Hoa quá chảnh choẹ, gặp Lưu Đức Hoa còn khó hơn cả gặp Tổng thống nên mới có người dùng đủ mọi cách để được gặp. Người ta còn phê phán cho rằng chính công nghệ giải trí đã biến những ngôi sao thành những vị thánh sống, được tôn sùng quá mức. Và cuối cùng, người ta kết luận rằng, ngôi sao hiện nay là phù phiếm, chỉ để tạo ra những bi kịch trong xã hội.

Đáng tiếc thay, những người này không hiểu được thực chất thế giới giải trí là gì. Tại sao cứ đến những tụ điểm vui chơi là người ta thấy đèn hoa rực rỡ? Tại sao cứ ca sĩ lên sân khấu là phải trang điểm, ăn vận bóng bẩy, bắt mắt? Tại sao cứ diễn viên, nghệ sĩ nào cũng phải đi tút lại vẻ đẹp bên ngoài hay tìm cách đánh bóng tên tuổi mình? Đơn giản thôi, vì đó là nghề nghiệp của họ. Nghề của họ là thu hút sự chú ý của người khác, giải trí, mua vui rồi cuối cùng hướng đến mục đích cao cả hơn là định hướng thẩm mỹ, lối sống cho người khác. Sự chú ý, hình ảnh là yếu tố sống còn của họ. Những giáo sư đại học không cần sự chú ý, họ chỉ cần công trình nghiên cứu khoa học. Những nông dân không cần sự chú ý, họ chỉ cần ruộng đồng, phân bón. Nhưng nghệ sĩ hay nói rộng ra là cả thế giới truyền thông, giải trí, họ cần sự chú ý. Từ cổ chí kim, lúc nào cũng vậy. Như thế, người ta mới nói rằng nghệ sĩ là người của công chúng. Muốn thành công trong nghề này, người ta phải là ngôi sao, phải có phong cách ngôi sao, đó quy luật tất yếu và tôi cho đó là hợp lý.

Vậy tôi hỏi, sự đánh bóng tên tuổi của họ có gì sai? Tôi cho là chẳng có gì sai vì một khi họ nổi tiếng, có nhiều người bắt chước họ thì họ trở thành phương tiện rất hữu hiệu để định hướng cho đám đông. Đám đông rất dễ bắt chước. Chẳng phải ở Mỹ, người ta tôn sùng chủ nghĩa "anh hùng cá nhân" là để tạo ra hình mẫu cho cả xã hội bắt chước theo. Ngôi sao đẹp, người hâm mộ cũng đẹp. Ngôi sao tốt, người hâm mộ cũng tốt. Vậy có gì sai? Sai là sai ở chỗ người hâm mộ mù quáng, không biết mình đang làm gì mà hâm mộ thái quá, dẫn đến thần tượng mình bị xấu tiếng lây, chứ thực ra họ không có lỗi gì cả. Đồng ý là có rất nhiều tấm gương trong xã hội đáng để học hỏi nhưng thử hỏi, những anh kỹ sư, bác sĩ làm sao tạo ra sức hút bằng ca sĩ, diễn viên?

Một diễn viên nổi tiếng như Lưu Đức Hoa có hàng triệu fan hâm mộ toàn cầu. Thế nên nếu bắt anh ta phải đáp ứng cho hàng triệu lời yêu cầu được gặp mặt và nói chuyện riêng, e rằng sự nghiệp của anh ta cũng phải chấm dứt vì chẳng còn thời gian để mà đóng phim và hát hò. Chẳng thế mà luôn có một bức tường bao quanh các ngôi sao mà nhiệm vụ chính của nó không phải là ngăn chặn mà chính là điều tiết để làm sao cân bằng giữa lợi ích của ngôi sao và fan hâm mộ.

Nói ra, cuối cùng, tôi muốn khẳng định Lưu Đức Hoa không có lỗi trong chuyện này và tôi ủng hộ cách giải quyết cương quyết của anh trong trường hợp này là không gặp mặt cô gái đó. Còn ai có lỗi thì chắc chắn nhiều bài báo đã bàn tới rùi, tôi không nói nữa. Qua việc này, tôi vẫn nghĩ sau hàng loạt sự thay đổi về nhận thức xã hội, có lẽ cái tư tưởng "xướng ca vô loài" vẫn còn tồn tại trong xã hội này. Thật đáng tiếc! Thế thôi.

-------------------------
Câu nói tuần này: Không có gì là không thể.

Không có nhận xét nào:

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa