Thứ Ba, tháng 3 20, 2007

Nghe nói đọc viết (Phần 1)

Chắc chắn ai đã từng học ngoại ngữ, dù là vỡ lòng hay nâng cao cũng đều tâm niệm phải rèn luyện 4 kỹ năng: NGHE, NÓI, ĐỌC, VIẾT. Nói theo tiếng Anh là 4 skills: Listening, Speaking, Reading, Writing, tiếng Pháp thì là ecoutér, parle, lire, écire (cái này võ vẽ mới học).

1. Tại sao lại là Nghe, Nói, Đọc, Viết mà không phải là Viết, Đọc, Nghe, Nói hay một trật tự nào khác? Vì lẽ rất đơn giản, cái thứ tự này được hình thành căn cứ mô phỏng quá trình học hỏi ngôn ngữ của một đứa trẻ bản địa.
Này nhé, khi vừa sinh ra đời, việc đầu tiên của một em bé là NGHE. Nghe nhiều thứ lắm, nghe tiếng ầu ơ của mẹ, nghe tiếng nựng nịu của bà, nghe tiếng âu yếm của ba. Lớn một tí nữa thì sẽ nghe nhiều hơn, nghe những từ học nói đầu tiên trong cuộc đời: Ba, Mẹ. Người ta chẳng phải vẫn bảo, muốn con sớm biết nói thì phải nói chuyện nhiều với con.
Rồi khi bé đã nghe nhiều ồi thì bé bắt đầu bi bô, tập NÓI. "Trọ trẹ như trẻ lên ba", những tiếng nói đầu đời của con trẻ nghe sao mà thân thương, hạnh phúc. Tôi còn nhớ trong vở cải lương "Tuyệt tình ca", người mẹ khi kể về quãng thời gian nuôi con đã nói rằng "con bước đi những bước đầu đời, gọi cha mẹ thì cha mẹ vui như được người ta cho vàng cho bạc." Bắt đầu từ tiếng Ba, Mẹ rồi tiếng Cô, Dì, rồi những câu ngắn ngủi "Con yêu ba mẹ." Nhiều nữa là những câu nói phức tạp hơn, dài hơn. Dần dần biết nói thì lại nói càng nhiều, càng hăng. Cho đến khi nói nhiều quá thì bắt đầu phải chuyển sang một giai đoạn mới.
Bé đã vào lớp 1, bắt đầu tập ĐỌC. Bé đọc và đánh vần chữ a, chữ bờ, chữ cờ (à, giai đoạn mới thì phải là e, bờ, cờ :D). Bé ráp chữ b và chữ a thành chữ ba, ghép chữ m và chữ e thêm dấu nặng thành chữ mẹ. Bé đã có thể đọc được chữ "ba mẹ". Bé còn có thể đọc được nhiều hơn, dù vẫn còn chậm lắm! Bé vẫn luôn nhớ câu thơ mà cô vẫn dạy "O tròn như quả trứng gà./Ô thì có mũ, ơ thì thêm râu." vì nó giúp bé có thể đọc báo cùng ba, đọc thơ cho mẹ. Bé còn có thể đọc truyện tranh nhiều màu sắc nữa chứ.
Rồi bé học VIẾT. Bé không chỉ biết đọc chữ "ba mẹ" mà giờ bé còn biết viết chữ "ba", chữ "mẹ". Nét chữ của bé còn xiêu vẹo lắm nhưng ba mẹ vẫn quý những chữ ấy vô cùng, thậm chí còn cẩn thận đem cất vào album ảnh của gia đình. Bé biết viết nhiều hơn. Bé không chỉ viết những chữ rời rạc mà còn ghép chúng lại thành những câu hoàn chỉnh. Câu đầu tiên bé viết là "Con yêu ba mẹ." cũng giống như câu đầu tiên mà bé nói "Con yêu ba mẹ." Từ những dòng chữ đầu đời ấy, đã mở ra cho bé cả một chân trời cảm xúc mới.

Trải qua những ngày tháng học ngôn ngữ như thế, hầu như người dân bản địa nào cũng thuộc vào dạng "đọc thông viết thạo nghe tốt nói hay". Tuy nhiên, vẫn còn một số người đã hơn 20 tuổi đầu vẫn chưa một lần nói "Con yêu ba mẹ" hay thậm chí đơn giản hơn là viết ra "Con yêu ba mẹ." Lại có những người gần như muốn quên đi tiếng mẹ đẻ của mình mà thông thạo tiếng Tây, tiếng Pháp, tiếng Anh. Nói câu nào cũng chêm vào, nói cái gì cũng ráng chèn vào vài từ. Thậm chí còn sửa đổi, cải biến tiếng Việt thành cái thứ tiếng gì lạ lẫm với những người vốn lớn lên trong bầu không khí thấm đẫm tinh thần Việt. Thật đáng xót xa!

-------------------------
Câu nói tuần này: Không có gì là không thể.

Không có nhận xét nào:

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa