Thứ Tư, tháng 3 28, 2007

[Serie]Web 2.0 - Những gì tôi biết (Phần 1: Định nghĩa Web 2.0)

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên của Web 2.0. Thời đại của Web 1.0 đã qua rồi. Một sự chuyển mình dữ dội của Internet, của web trước làn sóng của Web 2.0. Vậy thực sự, Web 2.0 là gì?

1. Một thuật ngữ:
Thuật ngữ Web 2.0 lần đầu tiên được đưa ra bởi Dale Dougherty, phó chủ tịch của O'Reilly Media, đưa ra tại Hội thảo Web 2.0 lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 10/2004. Sau này Tim O'Reilly đã định nghĩa một cách gần như đầy đủ thuật ngữ Web 2.0 và làm một vài phép so sánh để dễ hiểu.
2. Một chuẩn:
Nói một cách ngắn gọn, Web 2.0 là một chuẩn của web. Một trang web đạt được những chuẩn này thì gọi là Web 2.0. Chuẩn 2.0 gồm các yếu tố sau: (1)

2.1. Web có vai trò nền tảng, có thể chạy mọi ứng dụng:
Điều đó có nghĩa là các ứng dụng này bắt buộc phải chạy trên nền Web. Không có Web, không có ứng dụng. Điều này dễ gây ngạc nhiên cho mọi người: đã là web thì phải chạy trên web chứ, web nào chẳng thế. Xin lưu ý rằng là đối với web 1.0, có rất nhiều trang không cần web vẫn có nhiều cách để phổ biến thông tin như các trang báo điện tử, các trang của các công ty. Hơn nữa, nhiều ứng dụng mặc dù chạy trên web nhưng lại không lấy web làm nền tảng mà lại cài đặt một chương trình gì đó trên máy để chạy (như thế cuối cùng hoá ra là chạy trên nền desktop). Hãy lưu ý điều này vì một trong những hệ quả của Web 2.0 chính là Hệ Điều Hành Web (Web OS) thay thế cho các hệ điều hành truyền thống.

2.2. Tập hợp trí tuệ cộng đồng:
Điều này giải thích vì sao tạp chí Times chọn "Person of Year" (Nhân vật của năm) là You (bạn). Chính người dùng tạo nên Web 2.0, tạo nên thế giới Internet chứ không phải ai khác. Ai là người tạo ra hàng triệu video clip cho Youtube, ai là người viết hàng trăm nghìn entry cho Wiki? Chỉ có thể là cộng đồng người dùng.
Tất cả các dịch vụ chạy theo chuẩn Web 2.0 đều phải "hướng người dùng", xem người dùng là tâm điểm. Người dùng gần như là một biên tập viên. Chưa lúc nào ranh giới giữa admin và user lại mập mờ thế này. Sự xuất hiện của chữ "add", "comment" và "edit" trên các trang Web 2.0 khiến người dùng, chứ không phải webmaster, mới là chủ trang web.

2.3. Dữ liệu đóng vai trò then chốt
Năm 2006, thế giới tạo ra 161 tỷ GB dữ liệu thông tin, gấp 3 triệu lần dung lượng tất cả cuốn sách từ trước đến giờ. Cái gì tạo nên thành công cho Flickr nếu không phải là hàng triệu tấm ảnh được chia sẻ? Blog liệu có thể tạo nên làn sóng mới nếu không phải người ta chia sẻ những thứ người ta biết qua hàng trăm triệu entry mỗi ngày? Và Wiki có còn được gọi là từ điển bách khoa khi không có dữ liệu? Không có dữ liệu, chẳng thể có Web 2.0. Nhưng dữ liệu của Web 2.0 không dừng ở dạng tĩnh như web thế hệ cũ mà nó liên tục thay đối, cập nhật và bổ sung. Thế nên lượng dữ liệu không ngừng tăng nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng.

2.4. Phần mềm được cung cấp ở dạng dịch vụ web và được cập nhật không ngừng.
Dịch vụ Web là yếu tố công nghệ của chuẩn web 2.0, có thể gọi là đặc trưng nhất về mặt công nghệ của web 2.0. Các dịch vụ ngoài việc chạy trên nền web còn lấy sự liên lạc trong thế giới web làm cơ bản để phát triển các dịch vụ. Từ Online trở nên phổ biến. Người ta làm việc không đơn giản là trên máy tính mà là làm việc trên web. Hãy lấy ví dụ như gói dịch vụ trọn gói Windows Live mà Microsoft sắp tung ra bản chính thức bao gồm các ứng dụng văn phòng vốn chỉ chạy trên nền desktop, nay đã được online. Điều đó có nghĩa là bạn có thể soạn thảo văn bản, lập bảng tính hay thiết kế một presentation một cách trực tuyến (hãy phân biệt với dịch vụ Help Online của MS Office) và ngay sau đó, bạn có thể chia sẻ với bạn bè.

2.5. Phát triểu ứng dụng dễ dàng và nhanh chóng.
Người ta nói AJAX tạo nên Web 2.0 cũng có cái lý của nó. Công nghệ AJAX, công nghệ của những ứng dụng nho nhỏ, dễ dàng tương tác và thay đổi tạo nên diện mạo cho Web 2.0. Không dừng lại ở giao diện bóng bẩy, các nút bấm thông thường mà giờ đây là các thao tác kéo thả ngay trên web, làm đến đây lưu đến đó, các tuỳ biến, các plugin chia sẻ... Công nghệ AJAX khiến cho Web 2.0 và các dịch vụ web có thể được tiếp cận dễ dàng và thay đổi nhanh chóng, giúp cho người dùng thực sự thể hiện bản sắc của mình.

2.6. Phần mềm có thể chạy trên nhiều thiết bị
Cách đây 10 năm, cái người ta có là một chiếc PC cổ lỗ sỉ. Ngày nay, cái người ta có ngoài cái PC ấy là laptop, PDA và Smart Phone...Với xu hướng portable hiện nay, việc một ứng dụng phải chạy được trên nhiều nền phần cứng là điều tối cần thiết. Hãy tưởng tượng bạn có thể vừa chat với bạn bè trên máy laptop, vừa tranh thủ đọc blog bằng chiếc PDA của mình thông qua dịch vụ WAP của Yahoo 360o. Thật là thú vị đúng không?

2.7. Giao diện ứng dụng phong phú
Hãy phân biệt chữ phong phú và chữ bóng bẩy. Web 2.0 không bóng bẩy như người ta vẫn thường nghĩ. Hãy nhìn vào del.icio.us là ta có thể cảm nhận được sự đơn giản đến không ngờ của Web 2.0. Thế nhưng sáng tạo của Web 2.0 là vô tận. Hãy nhìn xem người ta có thể làm được gì với một video clip của Youtube: share, embed, comment, add, vote... Mỗi milimét vuông đều được tận dụng. Không ai có thể hình dung là người ta có thể làm được nhiều việc như thế với một dữ liệu đơn giản.

Bản thân tôi, tôi thích định nghĩa Web 2.0 qua mấy chữ đơn giản: tương tác, người dùng, dữ liệu, chia sẻ và trực tuyến. Thế nhưng tôi chẳng bắt các bạn theo ý tôi đâu vì tôi biết rằng, tự mỗi bạn sẽ có một cảm nhận riêng về web 2.0, thậm chí có bạn còn lờ mờ hiểu sai. Không sao, hãy đọc tiếp phần 2 để có thể cảm nhận hết về Web 2.0.
-------------------------
Đọc thêm:
(1) Web 2.0 không chỉ là công nghệ
1. Toàn cảnh Web 2.0
2. Web 2.0: Hiện tượng và bản chất
-------------------------
Câu nói tuần này: Không có gì là không thể.

Không có nhận xét nào:

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa