Thứ Năm, tháng 3 15, 2007

[Archive]Hai câu chuyện trong một buổi chiều

Chiều nay đi đóng tiền Internet, chứng kiến hai câu chuyện rất đáng để suy nghĩ, mọi người cùng đọc nhé!

1. Vì đến trễ, trung tâm FPT đã nghỉ trưa nên tôi ghé qua nhà thi đấu xem bóng đá. À, đá banh thì dĩ nhiên là rất quyết liệt và hấp dẫn nhưng hôm nay không có khoa Lý đá nên tôi cũng có phần uể oải. Khoa Nga đá với khoa Văn nên lại càng chán. Đang đọc tờ báo thì tôi nghe có tiếng loảng xoảng. Cái gì thế? Mọi người trong nhà thi đấu nháo nhào và hướng về phía có tiếng động đó. Một cầu thủ khoa Nga vì thi đấu quá tích cực đã bay thẳng vào tấm kiếng được dựng trong nhà thi đấu. Và thế là bể, vỡ và máu. Một miếng kiếng đã tạo nên một vết cắt dài trên cánh tay của cầu thủ này. Một số cô gái khoa Văn quay mặt đi, sụt sùi. Máu chảy khá nhiều (tường thuật của mấy người chạy đi coi). Các cầu thủ còn lại của cả 2 đội, nhất là khoa Nga đều hoang mang. Cầu thủ vừa rồi được đưa đi cấp cứu. Trọng tài nhanh chóng hội ý cả hai đội và cuối cùng quyết định dừng trận đấu (tỉ số 2-2).
Sao chẳng giống trong truyện nhỉ? Nhớ trong Jinđô, đồng đội bị chấn thương, cả đội còn quyết tâm thi đấu hơn nữa cơ chứ. Vậy mà sao các cầu thủ khoa Nga lại chấp nhận bỏ cuộc?
Nhưng nghĩ lại, lúc ấy thì còn tâm trạng nào mà bóng với đá nữa. Hic... lo cho bạn còn chưa xong nữa là...
Vậy cuối cùng phải làm sao? Tôi hỏi thế này nhé: nếu lỡ bạn đang thi đấu mà đồng đội của bạn gặp tai nạn như thế, bạn tiếp tục đấu hay dừng lại???

2. Tại trung tâm Internet. Một ông đang ra sức mắng sa sả vào cô giao dịch viên. Nội dung đại loại là trong hợp đồng đã ghi rõ là sẽ thu tiền tại nhà nhưng công ty không cứ người đến thu tiền mà lại cắt Net. Sự việc diễn ra đã vài tháng và người đàn ông này rất bực mình vì phải cất công đến đóng tiền trực tiếp mà còn nhận được những câu trả lời vòng vo rồi tháng sau cũng phải lên đóng tiếp. Dĩ nhiên ông này cũng có phần hơi quá đáng vì mắng cô gái giao dịch một cách nặng như thế (tôi đứng ở đó mà cũng cảm thấy hơi nhột), dù rằng cô ta được giao nhiệm vụ ngồi ở đó là để nghe những điều như thế. Nhưng cũng không thể không nói đến trách nhiêm của công ty FPT khi làm ăn tắc trách, không chăm sóc khách hàng tốt. Từ trước đến giờ đã nghe nhiều đến cung cách chăm sóc khách hàng của FPT không tốt, giờ mới được chứng kiến. Nhưng những bất tiện đó không lớn bằng việc công ty FPT yêu cầu khách hàng làm đơn khiếu nại mới giải quyết dù rằng trong việc này công ty sai rõ ràng. Hơn nữa, công ty còn bắt khách hàng phải đi vòng vòng qua ba bốn phòng mới giải quyết được. Dĩ nhiên là ông khách không chấp nhận. Tôi chợt nhớ đến cái kiểu cách phục vụ này rất quen, thường thấy trong cách công sở nhà nước. Cái gì cũng phải làm đơn, cái gì cũng phải qua hai ba cửa, cái gì khác hàng - người dân cũng phải tự làm, cán bộ chỉ việc ngồi một chỗ mà chỉ trỏ dù rằng việc đó là việc của cán bộ. Cái kiểu đó tôi ghét nhất. Tại sao mình lại phải làm đơn nhận lại món đồ của mình? Tại sao mình lại phải vất vả mang đơn đi khắp nơi chỉ để một việc là chỉ ra cái sai của công ty rồi sau đó công ty lại hướng dẫn mình đi đăng ký lại dù mình đã đăng ký rồi? Không hiểu.
Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện của Azit Nêxin, câu chuyện về cái nón. Một anh chàng đi thăm bạn ở một công sở nhà nước. Đến khi ra về, anh ta phát hiện mình đã bỏ quên cái nón trong công sở đó. Quay lại ngay lập tức nhưng hỡi ôi, cái nón đã khôgn còn ở chỗ đó. Và sau đó là cuộc trường kỳ đi tìm lại cái nón của anh chàng đó vì cái nón đã được chuyển qua khắp các phòng ban trong công sở đó, để rồi cuối cùng quay trở lại cái quầy trả lại đồ để quên nằm ở cửa chính. Cái nón giờ đã bị lủng rất nhiều lỗ do phải ghim rất nhiều loại giấy tờ, nào là giấy mô tả cái nón, biên bản nhặt nón, giấy chuyển nón... Thật mệt! Tôi chợt nghĩ nếu lỡ anh chàng quyết định nhận lại cái nón thì sẽ phải làm khối giấy tờ nữa, còn nếu muốn bỏ nón thì cũng phải làm cái giấy quyết định bỏ nón chỉ đơn giản cái nón giờ đã như một thứ thuộc về công sở mà trong công sở, cái gì cũng phải giấy tờ. Nực cười!


-------------------------
Câu nói tuần này: Không có gì là không thể.

Không có nhận xét nào:

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa