Chủ Nhật, tháng 3 25, 2007

Công bằng cho ứng viên?

Hôm nay đọc báo, bỗng giật mình khi đọc tin "Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và 7 Bộ trưởng đối thoại trực tiếp với thanh niên."

Thật hoan nghênh khi Chủ tịch và các vị Bộ trưởng đã mạnh dạn đối thoại trực tiếp với thanh niên, giải đáp những thắc mắc cũng như lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của thanh niên - một thế hệ đang nắm giữ vận mệnh của đất nước (tôi khẳng định thế!).

Thế nhưng việc làm này, thực hiện ở thời điểm nay, tôi cho là có điều gì đó không ổn, tạo cho tôi một chút gợn sóng về sự giả tạo và tính toán.

Ai cũng biết rằng đây là thời điểm chuẩn bị cho Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 bầu danh sách ứng cử viên cho Quốc hội khoá XII. Lẽ dĩ nhiên về nguyên tắc cho đến khi chưa có danh sách chính thức thì chẳng ai biết mình có thể được ứng cử hay không. Thế nhưng chắc chắn Chủ tịch và các vị Bộ trưởng kia sẽ nằm trong danh sách ứng cử đó, nếu không có sự cố gì xảy ra. Vậy thì chắc chắn các vị này sẽ tham gia ứng cử Quốc hội khoá này.

Ai cũng biết rằng trong các cuộc bầu cử thì công tác thông tin tuyên truyền là quan trọng nhất. Chẳng phải thế mà kì bầu cử tổng thống Mỹ lần này, mỗi ứng viên phải có ít nhất 500 triệu USD mới có thể theo đuổi giấc mơ tổng thống. Anh muốn người ta bầu chọn anh thì anh phải làm cho người ta biết mặt anh, biết anh tài năng, giỏi giang như thế nào. Việc hình ảnh của anh trong mắt người dân như thế nào rất quan trọng, rất quan trọng.

Ai cũng nhớ rằng, khi Arnold "Người đàn ông thép" ứng cử chức Thống đốc bang California đã bị giới hạn việc xuất hiện trước đám đông như thế nào. Những bộ phim của Arnold bị cấm chiếu trên TV hoặc bị giới hạn giờ chiếu. Hình ảnh của Arnold trên truyền hình và các báo đài cũng bị giới hạn trong phạm vi luật cho phép. Không phải người ta ghét bỏ Arnold ko chịu đóng phim mà đi làm chính trị mà là người ta làm thế để đảm bảo tính công bằng giữa các ứng cử viên về sự xuất hiện trước công chúng mà không có người nào nổi trội hơn có thể dẫn đến kết quả đánh giá sai lệch do thiên về tình cảm nhiều quá! Mà đấy là những phim của Arnold chẳng dính dáng gì đến nghề nghiệp chính trị của ông ta.

Ai cũng biết rằng đã là Chủ tịch nước thì chuyện lên báo mỗi ngày về những chuyến thăm viếng, làm việc là chuyện bình thường. Thế nhưng ở thời điểm này, khi mà ngày 20/5, toàn dân sẽ đi bầu Quốc hội và số lượng thanh niên trong số những người đi bầu ắt hẳn không nhỏ, Chủ tịch nước và 7 Bộ trưởng có một buổi gặp mặt và nói chuyện với thanh niên thì chắc chắc khiến mọi người cảm thấy ngờ ngợ. Tôi đoán rằng trong buổi nói chuyện này, không chỉ thanh niên bày tỏ ý kiến mà cả Chủ tịch nước và các vị Bộ trưởng cũng sẽ tranh thủ để nói lên hoài bão, tầm nhìn và ý kiến của mình. Đáng ngờ! Tôi không dám gọi đây là mua phiếu nhưng thực chất nó là gì cũng cần phải suy xét lại.

Ai cũng biết rằng mỗi ứng cử viên Quốc hội chỉ được bỏ phiếu trong một khu vực nhất định, chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong số lượng người đi bầu trên cả nước. Nhưng nếu xét trong một khu vực đó thì chắc chắn Chủ tịch đã gây được ấn tượng với một số lượng cử tri không nhỏ. Các vị Bộ trưởng khác cũng vậy. Vậy thì có phải các ứng cử viên khác bị lép vế hoàn toàn trong một cuộc bầu cử như thế này khi mà Chủ tịch và các vị Bộ trưởng, với sự hậu thuẫn của báo đài, trung ương liên tiếp tung những chiêu như thế này? Ai mà chịu cho thấu.

Ai cũng nghĩ rằng các ông ấy dù không làm thế cũng vẫn đậu đấy thôi. Nhưng cuộc chơi nào cũng phải đảm bảo công bằng. Tôi cho rằng các ông ấy muốn nâng cao hình ảnh của mình cũng được nhưng hãy dựa vào sức mình, đi đến từng nhà người dân, nói chuyện với từng người chứ không nên dựa vào sức ai khác. Rồi sẽ có những buổi tiếp xúc cử tri để giới thiệu những ứng viên nhưng chưa đua đã có người xuất phát trước và gắn tên lửa thì công bằng nằm ở đâu?

Ai cũng hiểu rằng những cuộc đối thoại với thanh niên là cần thiết nhưng liệu rằng ở một thời điểm như thế này, có phải là quá khinh suất? Chẳng lẽ ở VN, luật bầu cử không chặt bằng ở các nước phát triển? Vậy thì liệu có thể gọi một cuộc bầu cử như thế này là công bằng hay không khi mà ngay từ lúc bắt đầu, đã có những sự thiên lệch như thế?

Có một điều thắc mắc đặt ra là tại sao những lần bầu cử trước ko xảy ra hiện tượng này? Có thể trả lời ngay, có lẽ là do lần bầu cử này có nhiều đổi mới và những bê bối gần đây khiến các vị này tin rằng, một hai cú đấm trước sẽ là không dư thừa? Cuộc bầu cử Quốc hội lần này đã thu hút sự chú ý dư luận rất nhiều do nó là bước đánh dấu giai đoạn Việt Nam chính thức hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Thế nhưng, sau những thắc mắc về cơ cấu quốc hội, về công tác giới thiệu, về những rắc rối của việc tự ứng cử, giờ lại đến sự thiếu công bằng giữa những người chơi.

-------------------------
Câu nói tuần này: Không có gì là không thể.

Không có nhận xét nào:

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa