Thứ Hai, tháng 4 16, 2007

Thắp nén hương tưởng nhớ cụ Trần


Chiều nay đọc báo, nhận được tin nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng vừa qua đời sáng nay vào lúc 10h50 tại bệnh viện Thống Nhất, hưởng thọ 81 tuổi. Dẫu biết rằng sớm muộn gì cũng có ngày này nhưng nhận được tin, cũng thấy trong lòng có một nỗi buồn.
Tôi biết nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng lần đầu tiên là thông qua các bài viết trên chuyên mục Chào buổi sáng trên báo Thanh Niên. Ban đầu, tôi chỉ thích đọc chuyện mục ấy đơn giản vì lẽ tôi thích những vấn đề được nói đến trong đó. Sau dần, tôi chú ý đến tên tác giả Trần Bạch Đằng thường xuất hiện và từ đó, tôi luôn quan tâm đến những bài viết của ông trên các báo.
Ông có lối viết mạnh mẽ, gãy gọn, ít khi nói rườm rà nhưng lại dẫn chứng khá chi tiết khiến bài viết rất sinh động. Những vấn đề ông đưa ra luôn là những vấn đề nổi bật được nhìn nhận, đánh giá dưới góc nhìn của một nhà cách mạng lão thành, nguyên Bí thư Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định. Tôi thích đọc những bài viết của ông vì tôi học hỏi được nhiều từ đó.
Nhưng điều ấn tượng hơn cả là sức viết của ông thật đáng khâm phục. Lê Hoàng mỗi tuần viết một bài châm biếm cho báo Thanh Niên mà có bài nhạt bài đậm nhưng ông đã hơn 80 tuổi mà gần như tuần nào cũng viết, mà lại viết rất chắc tay, rất khoẻ. Mà ông viết rộng lắm, gần như tất cả các lĩnh vực của cuộc sống: chính trị, kinh tế, văn hoá, pháp luật. Thật đáng ngạc nhiên! Bài cuối cùng mà tôi được đọc là bài viết gần kính một trang đăng trên báo Thanh Niên viết về cố Tổng bí thư Lê Duẩn nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng bí thư. Tôi vẫn còn nhớ khi HTV làm một phóng sự về ông, tôi đã bất ngờ với hình ảnh một ông lão hơn 70 tuôi mà sáng sáng vẫn đi chợ Đakao gần nhà tôi, gương mặt hằn lên những dấu vết của thời gian nhưng vẫn sôi sục ngọn lửa cách mạng, sôi sục tấm lòng vì dân vì nước. Tôi ngưỡng mộ ông vì những lẽ đó.
Tôi vẫn thường ngô nghê nhầm lẫn ông với ông Trần Ngọc Giàu vì lẽ gì chẳng hiểu nhưng sau tôi nhận ra cả hai bậc tiền bối đều đáng khâm phục và kính trọng. Điều đáng tiếc là tôi vẫn chưa có cơ hội được trò chuyện cùng nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng để có thể lãnh hội được nhiều hơn từ kho tàng kiến thức phong phú cũng như tinh thần viết báo của ông.
Thật tiếc là đến giờ vẫn chưa có ai nổi lên như một người thay thế xứng đáng cho ông. Nhà thơ Thanh Thảo nối kế ông giữ mục Chào buổi sáng nhưng có lẽ vẫn còn lâu mới đạt đến tầm của ông. Lúc này, mới thật sự đáng báo động cho nền văn hoá Việt Nam khi nhắc đến những tên tuổi nổi bật thì nay đều đã qua tuổi thất thập cổ lai hy. Sau Trần Bạch Đằng, rồi sẽ đến những Sơn Nam, Trần Văn Khê... chắc hẳn cũng không thể chống lại quy luật của thời gian trong khi nguồn tri thức phong phú của nhưng pho từ điển sống ấy lại chưa có ai kế thừa. Chết là mất. Tôi vẫn nhớ nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cũng thường viết những bài tưởng niệm những người bạn văn đàn đã ra đi trước ông. Vậy bây giờ đến ông, ai sẽ viết tưởng niệm? (không phải tôi à nhe) Khi mà giới trẻ hầu như ú ớ khi được hỏi Trần Bạch Đằng là ai trong lúc nhanh nhảu liệt kê tiểu sử của Bi Rain chi tiết đến tận việc thích ăn cái gì, đi tắm thì cởi quần trước hay áo trước... Than ôi, rồi sẽ ra sao?
Dù sao đi nữa, một tượng đài văn hoá lớn đã qua đời. Người ta sẽ còn nhớ mãi về nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng như một nhà báo đã làm đúng theo tinh thần của cụ Đồ Chiểu nhiều năm về trước "Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.", xứng đáng là tấm gương cho các nhà báo hiện nay noi theo. Xin thắp một nén hương tưởng nhớ đến cụ bày tỏ tấm lòng kính trọng và ngưỡng mộ của bậc hậu sinh mong được nối bước chân tiền bối.

-------------------------
Câu nói tuần này: Không có gì là không thể.

Không có nhận xét nào:

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa