Thứ Ba, tháng 4 24, 2007

[Trích đăng]Tại sao không thể sống với lời nói thật?


Tại sao không thể sống với lời nói thật? magnify

Tại sao không thể sống với lời nói thật?

Tôi tự hỏi điều này khi bắt đầu ở trường học, bước ra đời chứng kiến các mối quan hệ xã hội và tự mình rút vào đời sống riêng vì cảm thấy khi mình nói thật, giống như một kẻ chỉ đi làm phiền người khác.

Cám ơn blog – một thứ văn hoá điện tử bình dân, nơi tôi viết và tự mình có thể nói được mọi thứ - bằng suy nghĩ của chính mình.

Cũng như các bạn có thể viết bất kỳ điều gì, thậm chí có cả những thoá mạ về những điều tôi viết. Tôi thích như vậy. Cuộc sống cần có những hồi âm, dù đó là tiếng vang từ trái tim của con người hay tiếng vọng từ đáy giếng tăm tối.

Tôi vẫn muốn lắng nghe tất cả.

Xin cám ơn những tiếng nói ủng hộ tôi. Nhưng tôi cũng cần nên nói đến một vài ý kiến khác biệt đã xuất hiện

Có thể bạn nói tôi rằng chúng ta không nên để một ai đó từ chức vì trách nhiệm cụ thể không thuộc về người đó.

Có thể bạn nói rằng tôi quá cực đoan.

Có thể bạn nói rằng tôi là một tên phản động.

Có thể bạn nói rằng tôi đang cố làm nổi vì mình đang đi xuống với nghề nghiệp.

Vv…vv…

Trả lời hay không? Đó vẫn là điều làm tôi suy nghĩ khi có ít nhất một hai lời yêu cầu tôi nên lên tiếng trả lời trước số lượng người ghé thăm tăng vọt trên trang blog. Hôm nay, để đáp lại, tôi chỉ muốn nói là: hãy để cuộc sống và suy nghĩ của chính các bạn phân tích, tôi không thể đủ sức trả lời hết tất cả mọi thứ, với ngần ấy ý kiến cho từng comment. Sai hay đúng, đó là do các bạn chọn lựa sự suy nghĩ và sự rộng mở của tư duy riêng. Cũng như tôi sẽ chấp nhận và biết chấp nhận mình sai hay đúng khi đưa ra suy nghĩ rằng ông Nguyễn Thiện Nhân nên từ chức. Và cho tới nay, tôi vẫn xin bảo lưu ý kiến của mình.

Hãy tưởng tượng.

Nếu ông Nhân từ chức - như một điều có thật, thì đó sẽ là tiếng chuông cảnh báo cho quá nhiều quan chức lâu nay vẫn chạy trốn trách nhiệm hay đổ lỗi cho cấp dưới. Người ta có thể không tham tiền nhưng có thể tham nhũng lòng tin của người dân, tham vị trí mình đang có và từ chối hiện thực xã hội ở khu vực mình đang quản lý. Mọi người sống trong xã hội sẽ ý thức được tình cảnh của nền giáo dục đất nước và quyết liệt hơn cho tương lai con cháu của mình. Tận cùng, tôi nghĩ rằng ông Nhân phải có tiếng nói về trách nhiệm của mình trong lĩnh vực giáo dục. Chỉ mới 10 ngày sau vụ bé Trâm, lại thêm vụ một bé gái 13 tuổi bị làm nhục ngay tại lớp và quyên sinh bằng thuốc trừ sâu. Với cái đà này, chúng ta không còn đủ nước mắt để khóc thương cho những số phận như vậy. Những việc thương tâm vẫn nhởn nhơ xảy ra như vậy. Phải chăng là ở trên không đủ lực nghiêm và điều hành nên bên dưới quá loạn như vậy? Nói theo lối nói người xưa "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Ông Nhân chưa có biểu hiện nào gọi là bất chính, nhưng ông quá yếu đuối trước bối cảnh ngành giáo dục hiện nay - thời diểm cần một người quả quyết và mạnh mẽ cho những cuộc cách mạng giáo dục. và nếu một người yếu đuối và thiếu các phản ứng tức thì như vậy, liệu ông có đáng là người cho chúng ta tin cậy vào những tuyên bố cải cách mạnh mẽ, hùng hồn, đẹp như những tấm ảnh mà ông chụp trên báo chí lúc khởi đầu nhậm chức hay không?

Có bạn lại hỏi tôi, tại sao chỉ là Nguyễn Thiện Nhân chứ không ai khác? Chúng ta đâu chỉ có một ngành giáo dục bê tha? Tôi chỉ có thể nói là nếu tôi có quyền, tôi sẽ buộc rất nhiều người phải trả lời trước nhân dân, từ tổng giám đốc Việt Nam Airlines về những chuyện kỳ quái dễ hiểu của ngành hàng không Việt Nam cho đến hiệu trưởng trường Hà Tây (sau loạn thi vẫn không mất chức) về việc thầy giáo Đoàn Việt Khoa sau khi được vỗ tay hoan hô nhiệt liệt vì tố cáo loạn thi rồi giờ đây tiếp tục bị trù dập trả đũa ở chính ngôi trường của mình.

Nhưng điều tôi cần nói rằng chúng ta có thể nghèo thêm một chút, mất điện thêm một chút… nhưng nền giáo dục của chúng ta cần phải là một nền giáo dục tử tế. Chính giáo dục chứ không điều gì khác sẽ vực dậy đất nước này cũng như xây dựng nhân cách con người Việt. Tôi nghĩ mình đang lên tiếng cho điều quan trọng nhất. Vì vậy tôi chọn cách lên tiếng trong lĩnh vực này.

Người ta vẫn nói tiếng trống hội thì kêu vang còn tiếng thở dài lặng lẽ. Tôi không muốn mình là kẻ chỉ biết thở dài.

Một vấn đề khác được đặt ra với tôi là: có yêu cầu từ chức đó, nhưng nếu ông Nhân vẫn ngồi chức thì sao?

Có sao đâu! Tôi vẫn làm hết trách nhiệm của một công dân bức bối trước tình cảnh xã hội và số phận con người. Còn chuyện trả lời việc kêu gọi đó của người có chức quyền, tùy thuộc và ý thức lương tâm và trách nhiệm của người đó. Từ chức hay không từ chức, cuộc sống vẫn tiếp tục diễn ra, chúng ta vẫn có một khung hình để nhìn ngắm và nghĩ suy.

Hãy nói một cách mạnh mẽ những điều bạn nghĩ – thậm chí đó là điều kết tội tôi. Voltaire, văn hào Pháp có để lại cho nhân loại và đối vói riêng tôi một câu bất hủ “tôi chống lại điều bạn đang nói nhưng tôi sẽ đấu tranh đến chết đến bảo vệ quyền được nói của bạn”. Hãy nói đi, dù đó là tiếng trống hội hay là tiếng thở dài.

Trước khi kết thúc bài viết này, tôi lại nhận được tin thứ trưởng Bộ giáo dục, bà Đặng Huỳnh Mai đến thăm và tặng quà cho bé Trâm. Tôi lại tự bật cười một mình, không thành tiếng. Hoá ra một cái hình của ông Nhân bị hack trên website Bộ giáo dục vẫn đủ quan trọng để ông có thể đến tận nhà học sinh Bùi Minh Trí hơn là nói một lời an ủi với bé Trâm giờ đây.

Tuấn Khanh (http://blog.360.yahoo.com/blog-nIJ6wTM_fLP.pP2xfpcNz2c739J7uMw-?cq=1)



-------------------------
Câu nói tuần này: Nhấn vào chữ phản hồi để comment.

Không có nhận xét nào:

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa