Thứ Tư, tháng 4 18, 2007

Vẫn là những bài học giáo dục đắt giá


Ngẫu nhiên sao, trong vòng 10 ngày qua, liên tục 2 vụ đối xử thô bạo với học sinh phản giáo dục cùng bị lôi ra trước công luận. Vụ học sinh Huỳnh Thị Ngọc Trâm bị ép hỏi cung chưa kịp lắng xuống đã rộ lên chuyện học sinh Bé Tý bị cô giáo lột đồ khám xét trước hơn 30 học sinh trong lớp dẫn đến ý định tự tử. Đọc mà xót xa!

Ngẫm nghĩ lại, cùng là người trong ngành giáo dục, thông cảm thì cũng có thông cảm nhưng mình không sao chấp nhận được những hành động đối xử thô bạo với học sinh như thế, dù là các bậc tiền bối đi trước. Chợt tự hỏi, liệu lương tâm của một giáo viên để ở đâu khi những thầy cô này thực hiện những việc như vậy?
Mình vẫn còn nhớ, ở trường thực tập, cô hướng dẫn và cô Hiệu trưởng đã nhiều lần tâm sự với mình rằng: đối với học trò, mình phải xem như con cháu trong nhà, như người thân; những gì mình không làm với con mình, những gì mình không muốn con mình gánh chịu thì cũng đừng làm cho học trò của mình. Mình cảm thấy tâm đắc với những tâm sự ấy vô cùng. Đó là một trong những hành trang quý báu mình có được khi bắt đầu vào con đường giáo dục đầy chông gai này. Vậy mà, những giáo viên lâu năm, có kinh nghiệm, sao lại quên đi bài học đầu tiên ấy được nhỉ? Có bao giờ thầy Ca muốn đưa con gái mình lên công an để hỏi cung chỉ vì 47.800 đồng ko? Có bao giờ cô giáo Trân muốn con mình bị lột đồ trước mặt đám bạn cùng lớp, bị nghi ngờ ăn cắp hay không? Thế mà, những người thầy cô vốn gọi học trò là "con", tự nhận "lúc ở trường cô giáo như mẹ hiền" lại đang tâm đối xử với học trò của mình như thế. Thử hỏi, còn đâu là nhân cách và tấm lòng nhân ái, yêu trẻ của người giáo viên? Liệu những giáo viên như thế có còn xứng đáng được đứng trên bục giảng dạy học sinh bài học làm người được hay không?

Ở góc độ nhà giáo đã không ổn, nếu xem xét sự việc ở góc độ một con người văn mình, trí thức trong xã hội, một người lớn thì sự việc lại càng không ổn. Một đứa trẻ chỉ mới 13 tuổi bị đưa đến công an hỏi cung là một điều không thể chấp nhận được, dù cho tội đó là như thế nào, huống hồ ở đây bị hỏi cung khi chỉ có một mình, không hề có người thân, thầy cô hay đại diện Đoàn thể bảo vệ. Người lớn chúng ta bị cảnh sát hỏi cung cũng đã run rẩy lắm rồi, huống hồ gì một đứa trẻ mới 13 tuổi. Tôi còn nhớ khi tôi khoảng 10 tuổi, lần đầu tiên tôi gặp công an để cung cấp lời khai cho một vụ nghi ngờ bắt cóc một bạn cùng lớp, tôi đã run rẩy, sợ sệt thậm chí suýt nữa là khóc (dĩ nhiên, tâm lý của tôi vốn yếu từ nhỏ). Đấy là tôi cung cấp lời khai ở ngay tại phòng hiệu trưởng, có cô hiệu trưởng ngồi kế bên, chú công an thì mặc thường phục, nói chuyện nhỏ nhẹ đấy. Còn ở đây, cô nữ sinh Trâm phải chịu áp lực khủng khiếp như thế nào nữa khi hỏi cung tại đồn cảnh sát, bị cật vấn, đe doạ mà không ai cạnh bên? Điều xót xa là chính những người đáng lẽ phải bảo vệ em lại đẩy em đến chỗ cực hình như thế - thầy hiệu trưởng và thầy Tổng phụ trách đội.
Nói đến chuyện của Bé Tý, dường như câu chuyện đi xa hơn nữa khi lần này, không phải là công an mà chính ngay cô giáo chủ nhiệm, người mà bất kỳ học sinh nào cũng tin tưởng và quý mến, lại là người làm nhục em ngay trước lớp. Đừng nói con gái, ngay cả một thằng con trai, bị lột trần trước lớp để khám xét ăn cắp cũng đã là một nỗi nhục, nhục ghê gớm lắm kia! Với con gái, nỗi nhục ấy còn lớn hơn nữa, nhất là khi các em đang tuổi mới lớn, đang có sự biến đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý, nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Quan điểm của tôi cho rằng, giáo dục ở lứa tuổi cấp 2 bao giờ cũng là khó khăn nhất vì những lí do trên. Thế nhưng, dường như cô giáo chủ nhiệm đã quên những điều đó, kiên quyết làm nhục em ngay trước lớp, trước mặt khoảng mười mấy đứa con trai. Cái nhục ấy có khác gì cái nhục của sự cưỡng hiếp, nó sẽ là vết nhơ, vết nhơ làm hoen úa những trang trong trắng một đời con gái. Vết nhơ ấy, càng khủng khiếp hơn, nó lại càng đậm hơn bởi cái nhục bị nghi ngờ ăn cắp. Cái nhục ấy, trong tập thể, là lớn lắm, lớn vì nó đụng đến lòng tin, đến đoàn kết. Thật chẳng ngờ, một người trưởng thành như cô giáo lại không hiểu được những điều sơ đẳng như thế. Chẳng hiểu nếu cô giáo bị như thế, cô sẽ nghĩ như thế nào? Chuyện học sinh này muốn tự tử chỉ là một hậu quả có thể dự đoán được từ những hành động thiếu tình thương và lòng vị tha của cô giáo.

Nhân đây, tôi cũng muốn kể một câu chuyện nhỏ, một câu chuyện thật của đời tôi, một lỗi lầm làm tôi nhớ và ân hận mãi. Khi ấy, tôi đang học lớp 5. Thưở ấy, nhà tôi tuy không gọi là nghèo nhưng cũng chỉ ở mức tầm tầm, chẳng mơ ước xa xỉ gì. Có một người bạn cùng lớp của tôi đi chơi Vũng Tàu về và mua một cái vỏ ốc khá lớn và đẹp nữa (trong con mắt của một đứa trẻ lên 10) lúc bấy giờ. Tôi và đám bạn cứ trầm trồ xuýt xoa mãi, đứa nào cũng muốn có một cái như thế. Nhưng ngay cả chuyện ra Vũng Tàu còn khó, nói gì đến mua những thứ xa xỉ ấy. Trưa hôm ấy, tôi nằm ngủ trưa ngay trên bàn của bạn ấy. Lúc đó, chúng tôi học bán trú nên buổi trưa thường ngủ luôn ở trên lớp. Tôi cứ trằn trọc mãi không ngủ được vì cái vỏ ốc ấy. Chợt tôi loé lên một suy nghĩ táo bạo. Tôi thò tay vào cặp người bạn ấy và lấy cái vỏ ốc bỏ vào túi mình. Sau đó, tôi bỏ nó vào túi bài kiểm tra của mình (thật ngốc vì cái vỏ ốc nhét vào cái túi ấy thì nó gồ lên hẳn, rất lộ). Chiều đến, bạn ấy khóc bù lu bù loa, báo với cô giáo rằng đã mất đồ. Cô giáo vội bắt cả lớp đứng dậy và tự dốc những thứ trong cặp cho cô kiểm tra. Đến lượt tôi, tôi bỗng oà khóc, kiên quyết không cho cô giáo kiểm tra túi bài kiểm tra của mình. Nhưng cuối cùng, sự việc cũng vỡ lỡ ra, tôi lại càng khóc bạo hơn (thưở nhỏ, tôi thường bị gọi là thằng mít ướt). Cô giáo không nói gì, thật ra lúc đó tôi cũng chẳng biết cô nói gì vì chỉ lo khóc thôi. Sau này hỏi bạn bè lại thì sau đó cô nói với cả lớp rằng, có lẽ bạn Khoa thích cái vỏ ốc quá nên mượn chơi mà quên hỏi bạn và cô dặn cả lớp rằng, nếu muốn mượn đồ của ai thì phải xin phép người chủ nhân trước. Ngay buổi tan tầm ngày hôm đó, cô dắt tôi xuống gặp Bố tôi đang đi đón tôi. Tôi đứng ở xa trong lúc cô nói chuyện với Bố. Kết quả là tôi không bị Bố la mà cô cũng chẳng trách mắng. Nhưng lỗi lầm đó làm tôi rất ân hận. Đến giờ dù đã xin lỗi Bố, xin lỗi cô, xin lỗi bạn nhưng tôi vẫn cảm thấy xấu hổ và tự hứa không bao giờ làm thế nữa.

Một câu chuyện nhỏ, chỉ để chứng minh rằng, lòng vị tha và tình yêu thương có thể làm được nhiều thứ trong giáo dục, thậm chí là biến đổi một con người. Những câu chuyện như trên luôn là những bài học giáo dục đắt giá dành cho mỗi chúng ta, không chỉ là những giáo viên như tôi, mà còn là những người mỗi ngày luôn sống trong sự tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Hi vọng rằng, sau này, tôi sẽ không còn nghe thấy những sự kiện đau lòng như thế nữa.

-------------------------
Câu nói tuần này: Không có gì là không thể.

Không có nhận xét nào:

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa