Thứ Sáu, tháng 2 16, 2007

[Archive]Viết về một xu hướng


Hôm nay, tôi đã đi xem một bộ phim có tên là "Accepted". Nội dung bộ phim cũng khá bình thường nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với thông điệp và những điều mới mẻ mà bộ phim mang lại. Đó là gì, các bạn biết không? Đó là "giáo dục là một nền công nghiệp dịch vụ vĩ đại""tại sao chúng ta bắt người ta học những gì chúng ta muốn dạy mà không dạy những gì người ta muốn học".
Câu chuyện trong phim kể về một nhóm bạn sau khi rớt đại học đã rủ nhau thành lập một ngôi trường đại học "ảo" trên mạng để đánh lừa các vị phụ huynh vốn luôn ước mơ con mình sẽ đậu Đại học. Ngôi trường ấy sẽ chẳng là gì, kể cả cái tên viết tắt S.H.I.T. hay cái toà nhà thuê lại vốn là bệnh viện tâm thần bị bỏ hoang, nếu không có được đặc điểm mà không trường đại học nào có được: "Chúng tôi chấp nhận tất cả nguyện vọng muốn được học đại học của các bạn.", "Chúng tôi dạy những gì các bạn muốn học."
Kết quả là gì ư? Số lượng SV của trường tăng đến con số 300 người, tất cả đều là những người đã bị các trường đại học khác từ chối chỉ vì họ thiếu 1 hoặc 2 tiêu chuẩn nào đó. Việc họ vào được một trường College được xem là một niềm vinh dự to lớn và là một động viên tích cực đến lòng yêu thích học tập và sáng tạo không ngừng bất kể khả năng đạt đến đâu. 300 Sv có nghĩa là 300 giáo viên đứng lớp dạy 300 môn học khác nhau. SV có quyền đăng ký môn học mà mình yêu thích lên một tấm bảng. Nghe cũng bình thường thôi nhưng điều quan trọng là nhà trường sẽ tổ chức mọi lớp mà SV yêu thích, bất kể nó quái đản đến đâu. Những môn học như "Tản bộ và suy ngẫm", "Lời của gió", "Nhạc Rock", "Hoài nghi 201", "Trượt máng trượt" và những thứ tương tự là những môn mà tôi nghĩ rằng bạn không thể tìm được ở bất kỳ một trường đại học nào. Đó là điều lạ đời nhất mà tôi từng được nghe nói đến. Thật thú vị!
Câu chuyện trong phim thể hiện một xu hướng mới hiện nay trong các hoạt động dịch vụ cũng như văn hoá. Xu hướng đó, tôi xin được gom lại trong ba chữ "HƯỚNG NGƯỜI DÙNG".
Xu hướng này, thật ra, đã có từ rất lâu nhưng hầu như chỉ ở dạng sơ khai nhất và hình thức. Thế nhưng với nhịp độ phát triển hiện nay, tôi nhận ra rõ ràng của việc lựa chọn các dịch vụ hướng người dùng đang được ưu tiên phát triển.
Xu hướng này là như thế nào? "HƯỚNG NGƯỜI DÙNG" có nghĩa là bạn cung cấp những dịch vụ mà khác hàng yêu cầu, thực hiện những hoạt động văn hoá mà họ yêu thích thay vì đưa họ những dịch vụ có sẵn hoàn hảo hay nhưng vở chính kịch hoành tráng mà không phù hợp với số đông. Điều đó có nghĩa là câu nói "Khách hàng là thượng đế" thật sự mang đúng ý nghĩa của nó là khách hàng có thể có được điều họ muốn chứ không chỉ đơn thuần là "khách nói gì cũng đúng".
"HƯỚNG NGƯỜI DÙNG" thường được thể hiện ở ba khía cạnh: khách hàng có quyền sử dụng cái họ thích, có quyền tạo ra cái họ thích và có quyền chia sẻ cái họ thích. Xu hướng này hiện đã lan truyền khắp nơi, mạnh mẽ, thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống mà một vài ví dụ sau đây của tôi sẽ là những minh chứng cho điều này.
Trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và nền sản xuất công nghiệp, chắc hẳn các bạn đã từng nghe đến "Công nghệ Nano". Thực chất, công nghệ Nano là công nghệ giúp cho người ta can thiệp vào phân tử ở cấp độ nano, sắp xếp lại vị trí của nó để tạo nên những hợp chất mới, phù hợp với mục đích của người sử dụng. Ví dụ như công nghệ nano có thể chế tạo ra những thanh sắt rất cứng nhưng có thể dễ dàng uốn cong lại mỗi khi muốn. Nghe có vẻ phi lí không? Điều sau đây còn phi lí hơn. Nếu lúc trước Coca Cola chỉ có một loại nước Coca, hiện nay họ đã có đến rất nhiều loại Coca như Diet, hương trái cây và linh tinh. Thế nhưng mỗi khi muốn uống, bạn cũng chỉ có thể lựa chọn dựa trên những thứ nước Coca có sẵn mà nhà sản xuất đã lựa chọn. Thế nên dù nhà sản xuất có làm nhiều đến mấy thì cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu của người tiêu dùng. Với công nghệ Nano, người ta có thể dễ dàng có ngay một lon Coca với 50% hương đào, 10% hương cam, 30% hương socola và 10% hương táo chính xác đến từng mililit. Điều đó thật thú vị đúng không? Người tiêu dùng từ chỗ lựa chọn những thứ có sẵn nay được chủ động tạo ra mọi thứ mà mình thích.
Trong lĩnh vực Internet và các ứng dụng trên Web, tôi có thể kể ra một vài thứ tiêu biểu cho xu hướng này: web 2.0 và công nghệ AJAX mà những sản phẩm của nó chính là: blog, YouTube, Filckr, del.icio.us hay My Yahoo. Điểm nổi bật ở các sản phẩm này chính là gì? Đó là khả năng tương tác với người dùng và sự tuỳ biến của người dùng. Tôi sẽ phân tích thử một vài dịch vụ.
Đầu tiên là blog, trào lưu lướt web mới hiện nay. Blog là nơi người dùng có thể tuỳ ý thể hiện mọi ý tưởng, sở thích, mong muốn, phong cách của mình một các hoàn toàn tương tác và dễ dàng. Điều quan trọng ở blog nằm ở chỗ blogger thể hiện được cái họ muốn, họ được tự đưa ra tin tức thay vì ngồi ở nhà đọc báo, được trao đổi với những blogger khác qua comment. Nó khác với diễn đàn ở chỗ blog mang tính cá biệt nhiều hơn. Về hình thức, một điều khá quan trọng là hầu hết tất cả trang blog hiện nay đều cho phép người dùng tuỳ biến trang của mình. Yahoo 360 còn làm kém việc này chứ các trang khác như Myspace, Blogger.com, WordPress làm rất tốt. Đặc biệt là WordPress với khả năng tuỳ biến khá phong phú.
My Yahoo cũng vậy. Phiên bản mới của My Yahoo gần như đã đạt rất gần đến web 2.0. Người dùng có quyền thay đổi các đề mục, sắp xếp nó trên trang My Yahoo của mình. Tuy nhiên nó còn hạn chế ở chỗ chưa tạo ra được các đề mục của riêng bản thân mình. Từ đó, người ta thấy nổi trội lên là các ứng dụng đi kèm các chương trình lớn đã khắc phục được điều này. Widgets của Google Desktop, Plug-ins của YM hay các chương trình AJAX nhỏ đi kèm Opera 9.0 hoặc các chương trình tương tự và sau này như Sidebar của Vista, đó là những gì tiêu biểu cho xu hướng "HƯỚNG NGƯỜI DÙNG" hôm nay khi người dùng được tuỳ ý lựa chọn cái gì được biểu hiện chứ không phải là nhà sản xuất và người tiêu dùng hoàn toàn có thể có được cái mình mong muốn.
Còn trong giáo dục, xu hướng này tại Việt Nam đang dần dần hình thành. Từ trước đến giờ, hầu như chúng ta chỉ học những môn mà chúng ta bị bắt buộc học, những môn mà người lớn cho rằng cần thiết. Điều đó đúng nhưng chỉ đúng với bậc học thấp. Ở các cấp lớn cao hơn, việc giáo dục cần phải kích thích lòng say mê và sự sáng tạo của người học nên lúc đó người học cần phải được học những gì họ muốn học. Chúng ta đang dần dần đưa các môn học tự chọn vào chương trình, tuy hiện nay chỉ dừng ở mức hình thức nhưng cũng đánh dấu một sự khởi đầu mới của những người làm công tác giáo dục về nhận thực. Có thể sau này, chúng ta sẽ mạnh mẽ cho học sinh lựa chọn những môn mà các em yêu thích thật sự. Thế nhưng, đó chưa phải là "HƯỚNG NGƯỜI DÙNG". Như đã nói ở đầu bài, giáo dục là một nền công nghiệp dịch vụ vĩ đại, thế nên, người học - người sử dụng dịch vụ phải được học những gì họ thích chứ không phải lựa chọn những gì họ thích. Nghĩa là, chúng ta không đưa ra một môn học nào đó rồi hỏi họ có thích hay không mà chúng ta hỏi họ thích môn nào rồi chúng ta dạy môn đó. Đấy, chính nó, nó mới đúng là xu hương "HƯỚNG NGƯỜI DÙNG" trong giáo dục học sinh.
Nổi cộm là về văn hoá văn nghệ. Xu hướng này, một lần nữa lại là xu hướng dẫn đường cho sự phát triển mà mô hình "xã hội hoá" chính là cái nôi để xu hướng này phát triển mạnh mẽ. Đã qua rồi cái thời làm nhạc, kịch, phim chỉ để báo cáo, để hoàn thành chỉ tiêu, để phục vụ chào mừng các đợt sinh hoạt chính trị lớn. Bây giờ, mọi thứ phải hướng vào khán giả - người dùng. Người ta không diễn cái mình muốn nữa mà là diễn cái mà khán giả muốn, khán giả yêu cầu. Những sân khấu xã hội hoá làm tốt điều này, những ca sĩ trẻ làm tốt điều này, những hãng phim tư nhân là tốt điều này. Họ đều làm tốt việc hướng đến khán giả cả. Thậm chí, khán giả còn là người quyết định kịch bản kế tiếp như thế nào như trong "Chuyện của Vàng Anh". Đó chắc chắn là những minh chứng tuyệt vời cho sự lớn mạnh của xu hướng "HƯỚNG NGƯỜI DÙNG".

Chắc chắn sau một thời gian nữa, bạn sẽ còn thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của xã hội theo xu hướng này. Bạn sẽ có thể có được mọi dịch vụ mà bạn mong muốn, theo cách của bạn. Xu hướng này, với tính đúng đắn và tiện ích của nó sẽ là một trong những điều tuyệt diệu nhất của thế kỷ 21 này. Hãy luôn nhớ, "Khách hàng là thượng đế"


-------------------------
Câu nói tuần này: Không có gì là không thể.

Không có nhận xét nào:

Tra từ điển



Bản quyền thuộc về Tô Lâm Viễn Khoa, 2006 - 2008.


Khi đăng lại các bài viết tại đây, vui lòng dẫn link hoặc ghi rõ nguồn: TLVK.


Liên hệ: Tô Lâm Viễn Khoa